Thủ tục nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 21-05-2003
Nghị định 68/2002 của Chính phủ quy định chỉ giải quyết việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cho những nước đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Tuy nhiên, nghị định cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ.
Để bảo đảm việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được thực hiện đúng trên tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc bảo vệ trẻ em, Nghị định 68/2002 của Chính phủ quy định chỉ giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại nước mà nước đó với Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (Nghị định 184/CP không đưa ra nguyên tắc này, cho nên thời gian qua mọi đối tượng người nước ngoài đều có thể vào Việt Nam xin trẻ em làm con nuôi). Trên cơ sở nguyên tắc này, hiện nay nhiều nước đề nghị đàm phán để ký với Việt Nam Hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, trước mắt, Việt Nam chưa thể ký Hiệp định với tất cả các nước có nhu cầu xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Do đó, trên tinh thần nhân đạo, Nghị định 68/2002 nói trên đã quy định cho phép nhận con nuôi trong một số trường hợp ngoại lệ (không có hiệp định). Theo đó, người nước ngoài thường trú tại nước mà nước đó chưa ký Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam, muốn xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, thì chỉ được xem xét giải quyết một cách hạn chế, nếu người đó xin nhận trẻ em đang sống tại gia đình thuộc diện mồ côi, bị tàn tật hoặc có quan hệ họ hàng, thân thích làm con nuôi. Trong bối cảnh chúng ta chưa thể có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực để đón nhận tất cả những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào các cơ sở nuôi dưỡng, còn nhiều trẻ em thuộc diện mồ côi, tàn tật hiện vẫn phải sống rất vất vả với những người thân tại gia đình. Do đó, giải pháp cho phép người nước ngoài được nhận những trẻ em này làm con nuôi (mà không phụ thuộc vào nguyên tắc điều ước quốc tế) là có tính nhân đạo cao cả, nhằm bảo vệ lợi ích của trẻ em trong việc tìm được một mái ấm gia đình thay thế.
Theo Nghị định 68/2002 thì thủ tục nộp hồ sơ xin con nuôi được quy định như sau: Toàn bộ hồ sơ của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được nộp tập trung thống nhất tại một địa chỉ là Cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp (gọi tắt là Cơ quan con nuôi quốc tế), thay vì phải nộp tại các Sở Tư pháp theo Nghị định 184/CP. Đây là quy định hoàn toàn mới về mặt thủ tục. Nghị định 68/2002 CP cũng có quy định mới về việc kiểm tra hồ sơ tại Cơ quan con nuôi quốc tế mà Nghị định 184/CP trước đây không có. Việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi chủ yếu được giải quyết trên cơ sở các hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với nước ngoài hữu quan. Cho nên, cơ quan con nuôi quốc tế được coi là cơ quan trung ương của phía Việt Nam trong việc thi hành hiệp định. Trách nhiệm kiểm tra hồ sơ của cha mẹ nuôi, hồ sơ của trẻ em Việt Nam là yêu cầu trước hết xuất phát từ việc thực hiện các cam kết quốc tế, nhằm bảo đảm việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi được tiến hành trên nguyên tắc nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Việc theo dõi sự phát triển của trẻ em cho đến năm 18 tuổi là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan con nuôi quốc tế mà trước đây, theo Nghị định 184/CP là thuộc Sở Tư pháp của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc không tập trung tại một đầu mối đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý các hồ sơ xin con nuôi, cũng như việc theo dõi trẻ em sau khi được cho làm con nuôi người nước ngoài. Trên cơ sở các cam kết quốc tế song phương, với sự hợp tác của phía nước ngoài, việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được tập trung vào một đầu mối giúp ích cho Việt Nam trong tiến trình gia nhập Công ước La Hay năm 1993 về nuôi con nuôi quốc tế.
NGUYỄN CÔNG KHANH
(Bộ Tư pháp)
--------------------------------------------------------------------------------