Tổ chức Ân xá quốc tế bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Nhandan.org.vn, cập nhật 8giờ30 - 30-5-2003


Ngày 29-5, trả lời câu hỏi của phóng viên hãng AFP (Pháp) về phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Ân xá quốc tế vừa công bố bản báo cáo hằng năm, trong đó có đề cập đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phan Thúy Thanh nhấn mạnh:

Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn những nhận xét về Việt Nam được nêu trong bản báo cáo này vì những nhận xét này được xây dựng dựa trên những thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Chỉ cần điểm qua một số nội dung đã được bản báo cáo đưa ra chúng ta đủ thấy tổ chức này đã cố tình bịa đặt và không dám nêu lên những thông tin về tình hình thực tế ở Việt Nam.

Về vấn đề tự do tôn giáo: Hiện ở Việt Nam có khoảng 20 triệu tín đồ (gần một phần ba số dân) theo các tôn giáo khác nhau với hàng chục nghìn nhà tu hành. Các hoạt động tôn giáo của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, trong đó có đồng bào theo đạo Tin lành, được tiến hành bình thường. Năm 2001, Hội thánh Tin lành miền nam đã tổ chức đại hội và có tổ chức cơ sở hơn 30 tỉnh phía nam, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Trước thực tế như vậy, liệu có thể nói rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam "tiếp tục bị đàn áp" hay không?

Về việc "Việt Nam hạn chế các quan sát viên nước ngoài lên Tây Nguyên": Trong thời gian qua, các đoàn ngoại giao, các đoàn khách quốc tế, chuyên gia đi khảo sát thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội đã thường xuyên đến Tây Nguyên. Gần đây nhất, từ ngày 14 đến ngày 17-5-2003, là chuyến thăm và tìm hiểu thực tế của đoàn phóng viên 8 hãng thông tấn, phát thanh và báo chí lớn của nước ngoài. Họ đã được tiếp xúc với nhiều người ở Tây Nguyên, được chứng kiến trên thực tế có hay không có việc "chính quyền đàn áp người dân" như một số thông tin vu cáo đã đưa. Chính một phóng viên trong đoàn trong bài viết ngày 15-5-2003 đã đưa lại phát biểu của người dân địa phương cho rằng họ sống hòa thuận với những người dân tộc thiểu số và Chính phủ đang tích cực giúp họ với sự đối xử ưu đãi.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nói rõ Việt Nam không có ai bị bắt, bị giam giữ vì lý do chính kiến hay lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Chính bản thân những người này cũng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Liên quan đến án tử hình, Việt Nam không phải là nước duy nhất còn áp dụng án tử hình. Bộ Luật hình sự năm 1999 của Việt Nam đã giảm số tội danh chịu án tử hình xuống mức thấp nhất có thể được trong hoàn cảnh hiện nay (từ 44 tội danh theo Bộ Luật hình sự năm 1985 xuống còn 29 tội danh), thể hiện tính nhân đạo và quan điểm nhân văn truyền thống của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên việc áp dụng án tử hình là cần thiết đối với một số tội danh mà trong đó những người phạm tội đã có hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xét thấy không thể cải tạo được.

Việt Nam không đóng cửa với thế giới bên ngoài và không ngại đối thoại về vấn đề nhân quyền, song đối thoại chỉ có thể có kết quả tích cực trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, với thiện chí và không định kiến.

Trong khi các nhà tài trợ cho Việt Nam (tại Hội nghị nhóm tư vấn tại Hà Nội từ ngày 10 đến 11-12-2002) và Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) (tại bản báo cáo phát triển con người năm 2002) đã nhận xét Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng khâm phục trong việc phát triển con người, thì bản báo cáo này càng làm dư luận nghi ngờ về tính xác thực của những nhận xét mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra về Việt Nam.