Hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế


Tạp chí Quê Hương, Số 223 - 2003

Trong báo cáo về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Việt Nam ngày 12/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 11, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã khẳng định: một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại thời gian tới là tăng cường hợp tác kinh tế.

Bộ trưởng nêu rõ những phương hướng cụ thể của công tác đối ngoại những tháng còn lại của năm 2003. Thứ nhất là cần tiếp tục củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với các nước láng giềng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước đối tác hàng đầu, đưa mối quan hệ này vào khuôn khổ phát triển ổn định vì những lợi ích rộng lớn và lâu dài trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thứ hai là xử lý những tác động của cuộc chiến tranh Iraq và bệnh dịch SARS, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của hai nhân tố này tới mọi mặt của đời sống xã hội. Thứ ba là tập trung cao nhất cho việc chặn đà giảm sút FDI, duy trì và mở rộng thị trường khẩn trương nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ Việt Nam; tăng cường và nâng cao các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế. Thứ tư là đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, theo dõi đánh giá sát diễn biến tình hình chính trị an ninh và kinh tế thế giới, đặc biệt chú trọng khâu dự báo và kiến nghị đối sách thích hợp. Thứ năm là tổ chức tốt việc đăng cai SEA Games 22 vào tháng 11/2003 và chuẩn bị đăng cai hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 vào năm 2004; đồng thời thông qua các diễn đàn Liên hợp quốc, cấp cao ASEAN 9, APEC 11, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới, để tiếp tục phấn đấu nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tổ chức tốt hội thảo kinh tế Việt Nam - châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến môi trường chính trị, kinh tế và an ninh chung trên thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước, Việt Nam cần tiếp tục kiên định đường lối độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt khôn khéo trong sách lược để xử lý các vấn đề phức tạp mới nảy sinh; nhạy bén và kịp thời nắm bắt những điều kiện thuận lợi mới nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Riêng về việc tăng cường các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về việc các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại, 67 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động rất tích cực trong việc cung cấp thông tin cần thiết về các đối tác nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước. Trung tâm Thông tin Kinh tế Đối ngoại thuộc Bộ ngoại giao cũng rất nỗ lực trong việc thông tin miễn phí tới các doanh nghiệp về tìm hiểu các đối tác nước ngoài, đồng thời truyền tải thông tin quảng bá, tìm cơ hội hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng các cơ quan này cần đẩy mạnh hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, vận động thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường viện trợ cho Việt Nam.

Về lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang diễn ra rất gay gắt, vốn FDI vào Việt Nam đang giảm sút và đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc các cơ quan, tổ chức trong nước tạo điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư thì các cơ quan ngoại giao cũng có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền quảng bá về Việt Nam ra nước ngoài.

Hiện nay, tất cả các hoạt động này đều được thực hiện tự nguyện, Nhà nước không hỗ trợ về kinh phí và các doanh nghiệp cũng không phải trả phí cho cơ quan ngoại giao. Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho rằng cần phải có sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước để đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị giữa các đại sứ với các doanh nghiệp để bàn biện pháp hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh tế.

Về tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho rằng, để đạt được mục tiêu thành công vào năm 2005, Việt Nam cần đầu tư tích cực hơn, ví dụ như bản chào hàng phải làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của các nước có yêu cầu đàm phán. Các cơ quan ngoại giao cũng đang tích cực vận động các nước bỏ yêu cầu đàm phán với Việt Nam vì Việt Nam hiện còn đang trong điều kiện kém phát triển và khả năng còn yếu. Hiện nay, nhiều nước trong tổng số 21 nước có yêu cầu đàm phán với Việt Nam đã nhất trí về nội dung đàm phán đơn giản, không có yêu cầu quá cao so với điều kiện của Việt Nam. Về việc này, Bộ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tích cực cho việc hội nhập để có thể cạnh tranh được trong một sân chơi lớn khi Việt Nam đã gia nhập WTO.