Việt Nam cực lực bác bỏ báo cáo của UB Tự do Tôn giáo Quốc tế HK
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà Phan Thuý Thanh trả lời phóng viên ngày 14 tháng 5 năm 2003:
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam hỏi: Ngày 13/5/2003, Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đưa ra báo cáo hàng năm về tình hình tự do tôn giáo ở một số nước trên thế giới trong thời gian từ 1/5/2002 đến 1/5/2003. Trong báo cáo về Việt Nam, Uỷ ban này nhận xét "tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam xấu đi" và khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm", Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Hoa Kỳ ký "Đạo luật nhân quyền Việt Nam năm 2003". Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo này?
Trả lời:
Chúng tôi cực lực bác bỏ báo cáo này của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và yêu cầu Quốc hội, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận các khuyến nghị của Uỷ ban này vì:
- Đây là những khuyến nghị hết sức sai trái, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, với mục đích cản phá quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các tổ chức tài chính quốc tế.
- Báo cáo này đã đưa ra những nhận xét sai sự thật, dựa trên những thông tin bịa đặt, vu cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, với khoảng 20 triệu tín đồ, hàng chục ngàn nhà tu hành, hàng chục ngàn cơ sở thờ tự.
Số lượng tín đồ của các tôn giáo, số lượng các trường đào tạo tôn giáo không ngừng gia tăng. (Năm 1975, chỉ có một trường Đại học Phật giáo, nay có 3 trường. Năm 1993 chỉ có 22 trường cao cấp và trung cấp Phật học, nay có 34 trường. Số lượng các Đại Chủng viện đào tạo Linh mục cũng tăng. Các tôn giáo khác tuỳ theo hình thức đào tạo truyền thống cũng mở các lớp đào tạo chức sắc.)
Các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành được đào tạo cả ở trong nước và nước ngoài và nhiều người đã được bổ nhiệm. ( Từ năm 1975 đến năm 2000, có 42 Giám mục được bổ nhiệm, trong khi đó suốt giai đoạn từ 1945 đến 1975, Giáo hội Va-ti-căng chỉ bổ nhiệm 33 người)
Nhiều cơ sở thờ tự được sửa chữa và xây mới. Rất nhiều kinh sách, ấn phẩm tôn giáo được xuất bản, đáp ứng nhu cầu hành đạo của các tín đồ.
Liệu có thể tin rằng tình hình tự do tôn giáo của một nước "đang xấu đi" với những phát triển như vậy?
Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo và các cơ quan chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực tôn giáo quốc tế đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình tôn giáo ở Việt Nam trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Việc một số lượng đông đảo phóng viên nước ngoài hiện đang có mặt ở Tây Nguyên và có chương trình hoạt động rất phong phú tại đó cho thấy Việt Nam không hề ngăn cản những người nước ngoài muốn tìm hiểu thực tế tình hình dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu to lớn Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm cho người dân được hưởng những quyền tự do cơ bản nhất. Điều này được thể hiện rõ tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hà Nội tháng 12/2002) và trong báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2002."