HNS Robert Simmons: "Tôi đến Việt Nam... và đã thay đổi cách nhìn

Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 24/04/2003


Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 23-4, hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Robert R. Simmons khẳng định: "Việt Nam đã có các tiến độ to lớn về nhân quyền. Tôi nhận biết điều này sau khi có cơ hội tới Việt Nam và cần có nhiều nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam hơn nữa...". Ông Simmons đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam về vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Hỏi: Chào nghị sĩ! Xin khởi đầu bằng một dự luật đã gây phản ứng mạnh mẽ tại Việt Nam khi nó được Hạ viện Mỹ khóa trước thông qua: dự luật nhân quyền Việt Nam. Hạ nghị sĩ Mỹ Chris Smith vừa tổ chức họp báo thông báo sẽ giới thiệu lại dự luật này tại Hạ viện Mỹ khóa 108 này.

Trả lời: Một vài dự thảo mà chúng tôi đưa ra ở hạ viện chỉ là các dự thảo nghị quyết. Nó không phải là mệnh lệnh, không phải là luật. Nó chỉ có ý nghĩa bày tỏ quan điểm. Một vài đồng nghiệp của tôi, những người quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, thỉnh thoảng lại giới thiệu một số dự luật về vấn đề này, có thể là liên quan đến nước này hoặc nước khác. Còn cá nhân tôi, tôi xin nói rõ quan điểm của mình: tôi thấy có những tiến bộ to lớn về nhân quyền ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã có các cuộc hội kiến đầy thân thiện và có kết quả về vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích ở Việt Nam. Trong số hài cốt lính Mỹ được tìm kiếm đợt này có phi công Arnold E. Holm vốn là cư dân ở quận của tôi. Với tất cả quan khách Việt Nam mà tôi có dịp nói chuyện như ngài Bộ trưởng Ngoại giao, ngài Thứ trưởng quốc phòng... họ đều đầy thiện chí hợp tác và sẵn lòng giúp đỡ.

Hỏi: Nhưng ông từng nằm trong số những người nói "đồng ý" với dự luật này ở khóa hạ viện trước ?

Trả lời: Nếu dự luật này được giới thiệu lại tại hạ viện kỳ này, tôi đã có một quan điểm khác. Bởi vì tôi đã đến Việt Nam. Tôi có dịp tiếp xúc với con người ở đây, gặp gỡ các quan chức. Tôi đã thay đổi ý kiến của mình dựa trên những gì tôi trải nghiệm ở Việt Nam. Đó cũng là vì sao mà những hợp tác giữa hai nước như về vấn đề MIA là cần thiết. Tôi cũng đã đưa ra lời mời Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tới thăm Washington DC. Ở đó, tôi sẽ tập hợp một nhóm các nghị sĩ tới gặp gỡ ông và nói chuyện về vấn đề này. Tôi nghĩ là việc này là hữu ích.

Hỏi: MIA từng là tiền đề thiết yếu để hai nước chúng ta tiến tới bình thường hóa quan hệ. Vào thời điểm đó, không nghe ai nói tới chuyện "nhân quyền " hay là "tự do tôn giáo, tự do ngôn luận". Vậy mà khi chúng ta có bản hiệp định thương mại song phương trong tay, các vấn đề này tự nhiên lại nảy sinh...

Trả lời: Chúng ta đã nỗ lực để bình thường hóa quan hệ. Các nỗ lực chung để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ và cả quân nhân Việt Nam nữa là một cách thức để đạt tới sự bình thường hóa, bên cạnh việc tăng cường giao thương, du lịch, trao đổi giáo dục. Khi quan hệ hai nước đã bình thường hơn, hiển nhiên là sẽ xảy ra một vài tranh cãi. Càng trở nên hiểu nhau hơn thì lại càng có nhiều chuyện để nói với nhau, tôi nghĩ vậy. Và các vấn đề như tự do tôn giáo, nhân quyền có thể được đưa ra trong các cuộc tranh cãi này. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đang đối đầu, mà có nghĩa là dấu hiệu chúng ta đã có những cuộc tranh luận bạn bè.

Hỏi: Gần đây hai hạ nghị sĩ Edward Royce và Zoe Lofgren vừa đưa ra Ủy ban quan hệ quốc tế của Hạ viện Mỹ cái gọi là "Dự luật thúc đẩy thông tin ở Việt Nam"?

Trả lời: Hai nghị sĩ này cũng là hai nghị sĩ đồng bảo trợ cho dự luật nhân quyền Việt Nam khóa trước. Họ là dân biểu bang nào? Họ đều đến từ bang California. Đây là bang tập trung đông đảo người Việt, những người có những mối liên hệ chặt chẽ với chế độ miền nam Việt Nam trước đây. Vậy thì thật là dễ hiểu vì sao họ lại làm như vậy.

Hỏi: Ông có thể dự đoán những dự luật kiểu này sẽ có số phận ra sao một khi nó được đưa ra bỏ phiếu tại hạ viện kỳ này?

Trả lời: Như tôi đã nói, phải hiểu rằng những dự luật này chỉ là một tuyên bố, nó không có sức mạnh ảnh hưởng tới điều gì. Rất có thể, khi các đồng nghiệp của tôi ở hạ viện hiểu rằng những dự luật kiểu này sẽ phương hại tới quan hệ đã được bình thường với Việt Nam, họ phải cân nhắc. Vậy nên khi về Mỹ, tôi sẽ phải tranh luận với họ. Tôi cũng có thể bỏ phiếu chống lại dự luật. Nhưng kể cả nó có được thông qua ở hạ viện thì vẫn phải chuyển lên thượng viện. Tại thượng viện, các thượng nghị sĩ John Kerry, John McCain, Chuck Hagel là những người ủng hộ quan hệ với Việt Nam. Rồi lại có nhiều thượng nghị sĩ từng là cựu binh trong cuộc chiến ở Việt Nam, và họ đã trở lại đây. Họ có thể hiểu rõ việc ban hành những luật như thế có thể làm hại tới quan hệ hai nước.

Hỏi: Liệu người dân Mỹ có được biết về phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đối với những hành động như trên của một vài nghị sĩ?

Trả lời: Tôi không cho là nhiều người biết được ảnh hưởng tiêu cực của những việc làm trên. Cần có nhiều nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam hơn nữa, đi du lịch dọc đất nước này, gặp gỡ mọi người, tới các trường học, thăm các vùng quê và làm việc với các quan chức. Chiến tranh đã qua lâu rồi. Giờ là lúc chúng ta vượt qua quá khứ và tiến lên xây cây cầu tới tương lai.

Hỏi: Đợt tìm kiếm hài cốt lính Mỹ thứ 72 đang diễn ra ở Việt Nam lần này hình như thu hút nhiều sự chú ý của cả hai phía?

Trả lời: Đúng. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam cho phép sử dụng chó nghiệp vụ của Mỹ vào các cuộc tìm kiếm hài cốt. (Việt Nam cũng là nước duy nhất trong số các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia cho phép điều này - NV) . Trong các cuộc gặp với các quan chức tại Hà Nội, tôi đã bày tỏ lòng cảm ơn về sự hợp tác này. Tôi đến đây lần này mang theo thái độ trân trọng những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề MIA.

Hỏi: Một báo cáo của Mỹ mới đây cho rằng quân đội Mỹ đã sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam nhiều hơn 10% so với con số từng công bố. Phản ứng của ông về vấn đề này với tư cách là người đứng đầu tiểu ban sức khỏe của Ủy ban cựu chiến binh và cũng là một cựu binh ở Việt Nam?

Trả lời: Tôi chưa đọc bản báo cáo này nên không thể bình luận về nó. Với tư cách một cựu binh, tôi đã từng bày tỏ quan tâm của mình đến vấn đề chất da cam từ 20 năm trước, khi còn làm việc tại thượng viện cho cựu thượng nghị sĩ Chafee. Lúc đó, chính phủ của tôi đã nói không có vấn đề gì, không có mối liên quan nào giữa chất da cam và các bệnh tật. Hôm nay mọi việc đã khác. Chúng ta tin rằng có một vài sự liên quan nào đó. Quan điểm của chúng tôi là tất cả những người có vấn đề về sức khỏe đều cần được giúp đỡ, cho dù nguyên nhân là gì . Đó cũng là cách tiếp cận của Chính phủ Mỹ với các cựu binh Mỹ. Vậy nên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể trở thành hợp tác quan trọng giữa hai nước.

CẨM HÀ thực hiện
(Báo Tuổi trẻ)