Vết thương mầu da cam

(Nhan dan online Cập nhật 18giờ30 - 03-04-2003)

Sau bao năm chiến tranh cô gái xóm đạo ngày nào trở về xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình với đôi mắt mù lòa sống âm thầm trong căn nhà tạm sát chân nhà thờ. Đã có lúc Nguyễn Thị Hiền mơ ước một gia đình nhưng bóng ma da cam vô hình cứ đeo đẳng bám theo đè nặng lên đôi vai người đàn bà bất hạnh.

Cô gái mở đường năm xưa

Chị là Nguyễn Thị Hiền, 48 tuổi, hiện ở xã Vũ Lễ (Kiến Xương - Thái Bình), một trong những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Khó khăn lắm tôi mới tìm được nơi chị ở, đó là ngôi nhà tạm bợ nằm sâu hút trong xóm đạo. Lúc tôi vào, chị đang quờ quạng nhặt mấy cành củi khô, đám lá chuối héo ở góc vườn. Nghe tiếng động, chị ngẩng lên hướng về tôi, với cặp mắt mù lòa từng một thời đẹp nhất nhì Trại Đạo.

Năm 1973, lúc 18 tuổi, chị ghi đơn tình nguyện vào phục vụ chiến trường trong Nam. Đơn vị chị đầu quân là C 13 F33 Đác Lắc, làm nhiệm vụ ở tuyến đường thuộc khu vực Gia Lai, một trong những địa bàn trọng điểm mà Mỹ tiến hành chiến tranh hóa học. Ở Gia Lai được ba năm, chị bị bệnh, hai mắt cứ đỏ gay như hai cục tiết, rồi lòa dần. Đã thế khắp cơ thể, các u nhỏ bắt đầu xuất hiện, chúng lớn dần bằng hột táo. Đơn vị chị cả 7 người ai cũng bị nhiễm bệnh, cũng mọc khối u, mắt cũng lòa. Họ được đưa đi điều trị tại các tuyến, nhưng chỉ có hai người được cứu sống trong đó có chị. Quãng đời tiếp theo của chị là nằm hết viện này đến viện khác nhằm cứu vãn chút ánh sáng đang ngày một mờ dần nơi con mắt. Có đến hàng chục bệnh viện từ trong Nam đến ngoài Bắc chị đã qua. Song thứ chất độc quái ác kia đã ăn sâu vào cơ thể chị, các bác sĩ cũng đành chịu bó tay. Năm 1984, 29 tuổi, chị được xuất ngũ về địa phương. Trên đường về, chị bị mất túi đồ trong đó có chứa nhiều thứ giấy tờ quan trọng như giấy chứng nhận bị nhiễm độc, giấy tờ tùy thân... Thế là chị trở thành một người không tên trở về quê hương với đôi mắt lòa, tấm thân đầy bệnh tật, sống nhờ sự cưu mang của họ hàng và bà con lối xóm. Cuộc đời chị cứ âm thầm như thế trong căn lều nhỏ dưới gác chuông nhà thờ.

Vết thương lòng

Năm 1985, một người đàn ông quê Nghệ An tìm đến với chị. Rồi họ lấy nhau và năm 1987, sau hai lần sẩy thai, chị sinh cháu gái đầu lòng. Đứa nhỏ ngay từ lúc sinh ra đã bị lòa cả hai mắt, bị suy dinh dưỡng tưởng không sống nổi. Vài tháng sau, cơ thể cháu cũng nổi lên những khối u nhỏ bằng hạt ngô giống mẹ. Cuộc sống vốn khốn khó nay càng bi đát hơn. Người chồng chán nản sinh rượu chè rồi bỏ mẹ con chị đi đến nay vẫn bặt tăm tích. Chị lại âm thầm một mình nuôi con, đứa trẻ mang họ mẹ tên Nguyễn Thị Hòa. Thời gian đó chị được hợp tác xã nông nghiệp Vũ Lễ hỗ trợ 30kg thóc một vụ. Hai mẹ con chẳng đủ sống. Chị gượng sức đi làm thuê se dây cấy cho người ta để kiếm thêm ngọn rau, bát gạo... Năm 1989, gian nhà mái gianh, tường xếp gạch mộc nhỏ như cái lều của chị bị bão giật đổ. Hàng xóm thương tình người giúp tiền, người giúp sức dựng lại cho chị gian nhà nhỏ 6m2 đủ kê một chiếc giường cho hai mẹ con nằm. Đứa nhỏ càng lớn càng sinh lắm bệnh tật da cứ xanh rớt, những khối u ngày càng to, đau nhức nhối. Cháu nay đã 15 tuổi nhưng cơ thể vẫn còm cõi chỉ bằng đứa trẻ 8 tuổi, lại ngờ nghệch. Hằng ngày, cháu vẫn theo các đứa trẻ trong xóm đến trường, nhưng không nhận biết được gì.

Còn chị, nay hai mắt đã mù hẳn, cơ thể đầy khối u bằng quả chanh, quả ổi. Chị mới đi mổ cái u to ở cánh tay phải vì nó nhức quá. Vết mổ đã lành, song tay phải chị lại bị liệt, các ngón tay co quắp lại chẳng làm được việc gì. Năm 2002, chị được Nhà nước giải quyết chế độ trợ cấp bị ảnh hưởng chất độc da cam một lần là hai triệu đồng và hiện chị đang hưởng trợ cấp 100 nghìn/1 tháng cho đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hóa học trực tiếp.

Chia tay chị lúc trời đã tối hẳn, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, giọng chị ngùi ngùi: "Tôi và cháu muốn lên nhà thờ nghe kinh lắm, nhưng đi lại khó khăn, hai mẹ con đành ở nhà trò chuyện với nhau vậy". Tôi cố gắng đi thật nhanh để khỏi chứng kiến thêm giọt nước mắt lăn trên gò má chị.

NGUYỄN BÌNH NGUYÊN và NGUYỄN TRỌNG PHÚ
(Tin tức)