Lại bàn về tự do báo chí

(Nhan dan online 01-04-2003 )

Bàn về vấn đề tự do báo chí trong khi bom đạn đang giết chết nhiều người dân vô tội ở Iraq, ông Đỗ Phượng cho rằng, khái niệm tự do kiểu phương Tây mới chỉ được cắt nghĩa ở cái ngọn, mà không giải thích được quyền tự do lớn nhất của một quốc gia, dân tộc là quyền sống trong độc lập đang bị vùi dập bằng sự hủy diệt của bom đạn cường quyền.

Có tới hai nghìn nhà báo được Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ cấp thẻ phóng viên chiến trường. 500 người được "tập huấn" như những chiến binh thực thụ. Họ được tập trung tại căn cứ tiền phương ở Kuwait và Qatar. Giới báo chí được chuẩn bị dài ngày như một cuộc biểu dương lực lượng cho "tự do thông tin- tự do báo chí" trong chiến tranh tổng lực của đội quân viễn chinh có sức tiến công và kỹ thuật cao ở đầu thế kỷ 21. Cùng với văn phòng báo chí tại Qatar, một trung tâm báo chí tạm thời thành lập ở Kuwait có nhiều sĩ quan cấp tá thường xuyên liên hệ và tạo điều kiện cho các nhà báo hoạt động. Mọi sự chuẩn bị làm cho dư luận hiểu rằng: Sẽ không có độc quyền và bưng bít thông tin như chiến tranh vùng Vịnh hơn 10 năm trước!

Người ta chờ đợi sự bùng nổ tự do thông tin ngay khi cuộc chiến tranh chống nhân dân Iraq bắt đầu.

Sáng 20-3, nhận hai thông tin chính thức: chiến tranh đã bắt đầu bằng cuộc tiến công trúng mục tiêu của máy bay và tên lửa xuống Baghdad. Nhiều nhà lãnh đạo Iraq đã bị tử thương, S.Hussein cũng nằm trong số đó. Tổng thống Iraq đã không chạy thoát những trái bom và cả tên lửa "siêu thông minh" trúng nơi ông đang ngủ (?). Các nhà báo có mặt ở Bagdad và đài truyền hình Iraq đã phát đi những thông tin ngược lại.

Vài ngày liền, thông tin chính thức được phát đi theo đúng kịch bản "cuộc chiến tranh 72 giờ". Cùng với những "cú sốc kinh hoàng" và chiến dịch "Iraq tự do", dường như các thành phố, cảng biển, căn cứ chỉ huy và các đơn vị mạnh của lực lượng Vệ binh cộng hòa của Iraq đã bị chiếm đóng và tiêu diệt đúng theo bản đồ quân sự đã được ghi chú sẵn theo kế hoạch (!)

Chưa tới 72 giờ, chỉ sang ngày thứ ba của cuộc chiến, các tư lệnh chiến trường, kể cả Tổng chỉ huy quân Mỹ, ngay tại trung tâm báo chí ở Qatar và Kuwait đã không ít lần phải bổ sung thông tin, thông tin lại và nói với các nhà báo: "Xin hãy chờ xem". Có nhà báo bị mắc kẹt tại chiến tuyến, liên hệ với các sĩ quan liên lạc của trung tâm báo chí mong được giúp đỡ nhưng chỉ nhận được những hứa hẹn mơ hồ: "Xin chờ đợi, tình hình sẽ sớm sáng sủa". Một màn kịch vụng về của chiến tranh thông tin là hình ảnh hàng đoàn binh lính Iraq đầu hàng được chiếu trên màn ảnh máy thu hình. Một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam vừa xem đã nói ngay: Ðúng là một vở diễn, không có bối cảnh chiến tranh, mọi thứ như sắp đặt sẵn! Một nhân vật gần gũi với sở chỉ huy Mỹ ở Qatar tiết lộ: Băng hình đã có sẵn từ trước khi phát lệnh nổ súng.

Ấy vậy mà khi đài truyền hình Iraq và một số đài nước ngoài truyền đi hình ảnh những tù binh Mỹ đang trả lời phỏng vấn và các phi công Mỹ bị dân quân Iraq bắt, thì ngay lập tức người Iraq bị kết tội "vi phạm Công ước quốc tế đối với tù binh". Và, có lẽ "vận dụng" Công ước quốc tế không mấy hiệu quả, cho nên ngày 25-3, đài truyền hình Iraq đã bị dội bom không dưới ba lần!

Thực tế của cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Mỹ, Anh phát động đã bị sự phê phán mạnh mẽ của cả thế giới. Phân nửa số người Mỹ không tán thành chiến tranh, tới 70% người dân Anh cũng không ủng hộ chính sách tham chiến của chính phủ nước họ. Ðiều rõ ràng là hãng CNN, đài tiếng nói Hoa Kỳ và đài BBC đã theo sát các nguồn tin của cơ quan chỉ huy liên quân Anh-Mỹ.

Vậy mà, người ta đã không tiếc lời thuyết minh về tự do báo chí, tự do ngôn luận như biểu tượng văn hóa Mỹ!

Ở nước tự cho mình cái quyền hướng dẫn các quốc gia, dân tộc về quyền con người, về tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lại cho mình quyền tự ý kết tội, trừng phạt các quốc gia, dân tộc theo chuẩn mực của riêng họ. Các ông Hans Blix và Baradei với một đội ngũ chuyên gia quốc tế thanh sát Iraq một thời gian dài chỉ có thể kết luận: Iraq hợp tác chặt chẽ, chưa có điều gì chứng minh họ đang sản xuất, nhập khẩu và tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt, cần có thêm thời gian cho công việc thanh sát. Ðại đa số thành viên Hội đồng Bảo an LHQ tán thành đề nghị của hai ông. Nhưng nhà cầm quyền Mỹ, Anh đã bất chấp tất cả, đơn phương quyết định dùng vũ lực tiến công Iraq. Phải chăng họ đang nhân danh những giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ, đem các loại vũ khí siêu hiện đại, có sức tàn phá, khả năng hủy diệt rất lớn để gây tang tóc đến cho nhân dân của một đất nước chịu đựng 12 năm cấm vận, với một đội quân mà tổng hỏa lực, trang bị thua xa dù chỉ so với một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Những kế hoạch "cú sốc khủng khiếp" đến "diệt gọn mọi ổ đề kháng cuối cùng", "chính phủ không có Saddam được quân đội quốc tế (Mỹ, Anh) làm chỗ dựa", "dự án 5 năm khôi phục và xây dựng lại Iraq tự do bởi chính hơn 10 tập đoàn, công ty Mỹ đã bỏ thầu", "số tiền cứu hộ nhân đạo đầu tiên sẽ là mấy tỷ USD của Iraq đang giữ ở các ngân hàng nước ngoài", v.v. Quả thật, khó ai có thể nghĩ ra nổi những bước đi được tính tới từng chi tiết đến như vậy.

Từ những gì đang diễn ra ở Iraq, người ta càng nhận rõ tính chất phi lý của những cái gọi là bản tổng kết, bản báo cáo, đôi khi cả nghị quyết hằng năm được phát đi từ Washington bình phẩm, lên án, tính điểm việc này, việc nọ ở các quốc gia trên khắp các lục địa, trong đó có Việt Nam, khi thì về "nhân quyền", khi thì về "tự do tôn giáo", "tự do báo chí", "tự do ngôn luận"... Mấy năm gần đây, lời lẽ của họ cũng có cung bậc cao thấp khác nhau, bởi vì họ không thể phủ nhận được thực tế ở Việt Nam quyền con người chẳng những được Hiến pháp, pháp luật khẳng định, bảo vệ mà còn được thực thi ngày càng tốt hơn trên thực tế. Tuy nhiên, những kẻ ăn theo, bảo hoàng hơn chủ, tiếp tục la lối về cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi hỏi chỉ có tư nhân hóa báo chí mới có báo chí tự do.

Thật ra, đó là những người cố tình không hiểu gì về những phát triển vượt bậc của báo chí Việt Nam mà bất cứ ai quan tâm hoặc đã đến Việt Nam đều thừa nhận. Không chỉ là sự phát triển về số lượng, về kỹ thuật mà quan trọng hơn là những tiến bộ không ngừng về nội dung, chất lượng, về đội ngũ những người làm báo, về sự đóng góp to lớn của họ trong tổng hợp tiếng nói từ thực tiễn, của mọi tầng lớp nhân dân đề xuất và hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phục vụ chính sách đối ngoại và gần nhất chính là đường lối phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo... Ai mà chẳng biết rằng, ở Việt Nam, hàng chục hiệp hội có báo, tạp chí, tập san hoặc bản tin định kỳ của mình. Ðường dây nóng trực tiếp ghi nhận các ý kiến của người dân được công khai ghi trên trang nhất của hàng chục tờ báo. Loại hình báo chí, chủ đề trên báo ngày càng rộng mở vì sự nghiệp đổi mới, vì xóa đói, giảm nghèo, vì làm giàu cho mỗi người và đất nước, vì sự công bằng và dân chủ.

Hơn 90% báo chí Việt Nam không nhận trợ cấp của Nhà nước. Ðoàn thể, hiệp hội cử ra tổng biên tập và tổng biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước những người bổ nhiệm họ về hoạt động của mình. Không ai can thiệp và có quyền duyệt nội dung bài viết và hình ảnh báo chí sử dụng. Ðương nhiên, mỗi tờ báo đều thể hiện tôn chỉ, điều lệ và quyền lợi của tổ chức của họ.

Cũng khó mà so sánh với bất cứ ai. Mỗi đất nước đều có pháp luật riêng, mỗi cơ quan báo chí đều có truyền thống, văn hóa, quy chế của riêng mình. Ta có nhiều dịp tiếp xúc, tìm hiểu và học tập được nhiều điều hay của các loại hình báo chí thế giới. Ta từng biết một cơ quan báo chí tư nhân có thâm niên hàng đầu thế giới, có khối lượng thông tin đồ sộ và sinh ra ở một đất nước khai sinh ra nền dân chủ tư sản. Vậy mà cơ quan báo chí đó đã trải qua những tháng ngày không có chủ tịch, tổng giám đốc. Một hãng báo chí tư nhân ở một nước lớn mà khi Tổng thống và Thủ tướng nước đó có đường lối chính trị trái ngược nhau, người ta không thể cử được người đứng đầu của hãng. Thì ra, ngân sách "mua tin" từ Phủ Tổng thống và Phủ Thủ tướng ngang nhau. Và cộng cả hai lại lớn hơn các nguồn thu khác. Thế là đã rõ.

Lại nhớ trong những năm chiến tranh cứu nước ác liệt, ta đối chiếu từng bài viết của các tờ báo Mỹ, nhất là giữa hai tờ Newsweek và Time để so sánh những cái đồng nhất và không đồng nhất giữa hai thế lực dân chủ và cộng hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ðương nhiên, ta trân trọng thái độ khách quan trung thực và sự khôn ngoan trong bút pháp của không ít nhà báo Mỹ, song ta rất hiểu thế lực chính trị, tài chính nào đang chi phối từng tờ báo.

Vả lại, tại sao khái niệm tự do lại chỉ được cắt nghĩa ở cái ngọn không nhằm nhò gì so với việc quyền tự do lớn nhất của một quốc gia, dân tộc là quyền sống trong độc lập đang bị vùi dập bằng sự hủy diệt của bom đạn cường quyền?

ÐỖ PHƯỢNG