Trí thức kiều bào - một nguồn lực quan trọng cho phát triển
(Nhan dan online 2/4/2003)
Hiện có khoảng 300 nghìn trí thức và người Việt Nam có tay nghề cao đang sống và làm việc ở nước ngoài. Những năm qua, nguồn lực này đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước.
Theo thống kê hiện trong số 2,7 triệu người Việt Nam đang định cư và sinh sống ở nước ngoài có khoảng 300 nghìn trí thức và người có tay nghề cao. Cộng đồng kiều bào Việt Nam hải ngoại đang phát triển theo xu hướng ngày càng ổn định. Cho dù ra đi với bất kỳ lý do, hoàn cảnh nào nhưng đa phần trong số họ luôn hướng về Tổ quốc. Từ lâu Đảng và Nhà nước Việt Nam coi Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Qua kết quả điều tra của các nhà xã hội học quốc tế thì so với các cộng đồng kiều dân khác, Việt kiều là một cộng đồng tương đối trẻ, mới phát triển rõ nét từ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Do đó, so với các cộng đồng kiều dân khác tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt ở nước ngoài không lớn, nhưng một bộ phận khá đông trong số họ được đào tạo khá chính quy và được cập nhật những thành tựu mới về mọi lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản lý, hứa hẹn nhiều khả năng phát triển. Trong số họ có nhiều người thành đạt và giữ những vị trí cao ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và cả những công ty lớn trong các nước sở tại. Có những người tham gia trong các tổ chức khoa học quốc tế, có mối quan hệ và sự hiểu biết đối với nhiều tổ chức kinh tế, khoa học công nghệ của các nước phát triển. Có thể nói ở hầu hết các lĩnh vực khoa học hiện đại đều có trí thức Việt kiều đang làm, với các vị trí xứng đáng.
Nhiều năm qua các trí thức Việt kiều đã làm tốt vai trò cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Nhiều người đã đóng góp xứng đáng cho nền khoa học của nước sở tại và cho nền khoa học nước nhà.
Hiện mỗi năm có khoảng 200 lượt trí thức người Việt kiều về tham gia giảng dạy, tư vấn và hợp tác khoa học với các trường, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trong nước.
Theo thống kê của các cơ quan quản lý kinh tế, từ năm 1996 đến nay, có khoảng 800 doanh nghiệp của Việt kiều được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký bán khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 60 dự án theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư khoảng 440 triệu USD đang hoạt động có hiệu quả. Ngày nay, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp chất xám của mình dưới nhiều hình thức khác nhau như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu; môi giới đưa chuyên gia nước ngoài vào hợp tác với trong nước; quyên góp học bổng khuyến khích tài năng trẻ; kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh với nhập công nghệ mới... Hằng năm, có khoảng 200 lượt trí thức kiều bào từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thái-lan .v.v., được các cơ quan trong nước mời về làm việc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang phối hợp với UNDP thực hiện chương trình TOKTEN để đưa trí thức là người Việt ở nước ngoài về làm việc có thời hạn tại quê hương. Chương trình này được triển khai từ năm 1989 đến nay, nhiều trí thức Việt kiều đã tích cực hưởng ửng. Sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước tuy còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, nhưng số đông trong họ đang có nhiều hoạt động thể hiện rõ mong muốn được tham gia xây dựng quê hương đất nước. Chúng ta trân trọng những đóng góp đó và thật sự mong muốn họ sẽ góp phần làm thay đổi có tính chất đột phá một số ngành mũi nhọn như tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới... mà kiều bào ta ở nước ngoài đang có thế mạnh. Có thể nói, chính sách đổi mới của Đảng đã có ảnh hưởng sâu rộng đến người Việt ở nước ngoài, các mối liên hệ của kiều bào với đất nước ngày càng được củng cố. Chắc chắn lực lượng trí thức Việt kiều sẽ đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Đ.D
(Báo Hà Nội mới)