Phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam

(Nhan dan online 2/4/2003)

Theo tiến sĩ Hoàng Đức Thân, sự phát triển đồng bộ các loại thị trường là sự ăn khớp giữa các thị trường và loại hình, trình độ phát triển và quy mô tạo nên một sự hoạt động nhịp nhàng của hệ thống thị trường và nền kinh tế quốc dân. Tác giả cũng đề xuất giải pháp phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam.

I. Lý luận về phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam

Thị trường gắn liền với quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Thừa nhận sản xuất hàng hóa không thể phủ định sự tồn tại khách quan của thị trường. Sản xuất hàng hóa, lưu thông hàng hóa và thị trường đã được khẳng định về lý luận và tồn tại ở Việt Nam, song vấn đề đặt ra là phát triển thị trường như thế nào ? Sự đồng bộ các loại thị trường có phải là tất yếu không ? Bản chất và nội dung phát triển đồng bộ các loại thị trường là gì ?

Kinh tế hàng hóa, đối lập với kinh tế tự nhiên, sản phẩm trước khi đi vào tiêu dùng phải qua khâu phân phối lưu thông. Thị trường vừa là kết quả của sản xuất hàng hóa vừa là điều kiện của sản xuất hàng hóa. Sự tách biệt giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa hàng và tiền đã dẫn tới sự không khớp nhau về khối lượng, tiến độ, thời gian sản xuất và tiêu dùng hàng hóa. Khi sản xuất xã hội càng phát triển thì đa số nhu cầu của con người được thỏa mãn thông qua thị trường. Bản thân sự tiêu dùng (tiêu dùng cho cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất) luôn đòi hỏi sự đồng bộ cao, nếu không tiêu dùng không thực hiện được.

Trên thị trường có hai nhóm người hoạt động. Nhóm thứ nhất là những người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, nhóm thứ hai là những người bán hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tiêu dùng. Sự phân nhóm này chỉ là tương đối và với mỗi người khi này thì thuộc nhóm người mua nhưng khi khác lại thuộc nhóm người bán. Thị trường là giao điểm gặp gỡ, tác động của hai nhóm người này. Cùng thông qua thị trường để giải quyết mâu thuẫn giữa người mua và người bán, bảo đảm thực hiện cân đối giữa cung và cầu. Mâu thuẫn trên thị trường phản ánh mâu thuẫn kinh tế, chính trị, xã hội. Khi mâu thuẫn được giải quyết thì người mua, người bán, người sản xuất, người tiêu dùng đều thực hiện được mục tiêu của mình. Những ách tắc trên thị trường có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn gây mất ổn định xã hội.

Như vậy, phát triển thị trường là điều kiện để phát triển sản xuất hàng hóa, suy rộng ra là điều kiện của sự phồn thịnh kinh tế xã hội.

Nhà nước Việt Nam chủ trương thực thi chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Để phù hợp với môi trường quốc tế mới, chúng ta phải phát triển các thị trường để đáp ứng yêu cầu giao lưu kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong môi trường quốc tế hóa, sự phát triển đồng bộ các loại thị trường không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn nhằm vươn tới thị trường ngoài nước, tranh thủ cơ hội quốc tế để phát triển.

Như vậy, cả điều kiện chủ quan và khách quan, điều kiện trong nước và ngoài nước, trước mắt và lâu dài đòi hỏi phải phát triển đồng bộ các loại thị trường. Đồng bộ là có sự ăn khớp giữa tất cả các bộ phận hoặc các khâu, tạo nên một sự hoạt động nhịp nhàng của chỉnh thể. Để có thể ăn khớp với nhau, các khâu, các bộ phận của một chỉnh thể phải được sắp xếp và hoạt động theo một tương quan tỷ lệ nhất định gọi là tỷ lệ đồng bộ. Vậy, sự phát triển đồng bộ các loại thị trường là sự ăn khớp giữa các thị trường về loại hình, trình độ phát triển và quy mô tạo nên một sự hoạt động nhịp nhàng của hệ thống thị trường và nền kinh tế quốc dân.

Sự đồng bộ của thị trường trước hết là hệ thống thị trường với đầy đủ các loại hình : thị trường tiền tệ, thị trường công nghệ, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường hàng hóa dịch vụ... Các thị trường này vừa độc lập với nhau vừa liên hệ với nhau trong hệ thống thị trường. Mỗi loại thị trường đều có cung - cầu, giá cả, người mua - người bán đặc thù ; có quy luật vận hành đặc trưng và khuynh hướng phát triển khác nhau. Sự quan hệ lệ thuộc, tác động biện chứng giữa các thị trường do quá trình trao đổi hoạt động và phối hợp cung ứng hình thành sản phẩm cuối cùng. Sự độc lập tương đối của các thị trường luôn có xu hướng phá vỡ sự cân bằng tổng thể. Sự phụ thuộc và liên hệ giữa các thị trường đòi hỏi sự cân bằng mới và ăn khớp với nhau. Vấn đề ở đây là, để cân bằng tự phát hay chủ động điều tiết để có sự ăn khớp hợp lý. Vai trò tạo điều kiện và chủ động điều tiết của Nhà nước để tạo sự đồng bộ, ăn khớp và hợp lực các hệ thống thị trường là đặc biệt quan trọng.

Vấn đề thứ hai của sự đồng bộ các loại thị trường là vấn đề ăn khớp về cấp độ hay mức độ phát triển thị trường. Về phương diện lịch sử thị trường, có ba cấp độ phát triển như sau :

- Cấp độ thị trường cổ điển : Đây là dạng thức của thị trường mà ở cùng một không gian, thời gian, địa điểm ba yếu tố người mua, người bán và hàng hóa xuất hiện đồng thời với nhau. Với dạng thức thị trường này, người ta có thể nhận biết về quy mô, động thái mua bán trên thị trường.

- Cấp độ thị trường phát triển : Ở dạng thức thị trường này, hàng hóa không nhất thiết phải xuất hiện đồng thời với người mua, người bán. Người ta có thể mua bán ngay cả trước khi hàng hóa được sản xuất ra. Đó là mua bán theo hợp đồng ký trước. Với dạng thức thị trường này, tính "hiện hữu" của thị trường không nhìn thấy được. Thị trường trải rộng cả không gian và thời gian.

- Cấp độ thị trường hiện đại : Trên thị trường lúc này chỉ xuất hiện hoặc người mua, hoặc người bán. Khi đó, người trung gian xuất hiện làm các công việc giao dịch và dịch vụ thương mại. Việc ra đời của các sở giao dịch chứng khoán, sở giao dịch thương mại... đáp ứng yêu cầu dịch vụ mua bán trên thị trường. Đặc trưng của thị trường hiện đại là các hình thức dịch vụ phong phú và phát triển rất cao.

Về lịch sử, thị trường lần lượt trải qua ba cấp độ phát triển. Song mỗi quốc gia, khu vực không phải tuần tự diễn ra như vậy. Khi một cấp độ thị trường mới xuất hiện thì ở các nước thực hiện kinh tế thị trường đều có thể xuất hiện dạng thức thị trường đó bất luận trình độ phát triển kinh tế như thế nào. Tuy nhiên, mức độ phát triển, phạm vi và ảnh hưởng của mỗi dạng thức không giống nhau. Hiện nay, với các nước phát triển thì cấp độ thị trường hiện đại chiếm ưu thế phổ biến, thị trường phát triển còn chi phối ở phạm vi rất rộng, thị trường cổ điển là tàn dư. Ở Việt Nam, có thể nói cấp độ thị trường cổ điển là phổ biến, chừng mực nào đó cấp độ thị trường phát triển đã có sức chi phối lớn trên thị trường, còn cấp độ thị trường hiện đại đang ở giai đoạn khởi phát.

Vấn đề thứ ba của phát triển đồng bộ các loại thị trường là sự ăn khớp, nhịp nhàng, cân đối và tạo hợp lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tương quan giữa các thị trường trong tổng thể nền kinh tế quốc dân hợp lý thì hoạt động mới có hiệu quả. Từng loại thị trường cũng như hệ thống thị trường trong nền kinh tế quốc dân là một chỉnh thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Sự ăn khớp nhịp nhàng, cân đối giữa các loại thị trường theo yêu cầu của sản xuất và đời sống. Tính nhịp nhàng, cân đối về mặt lượng là tương quan tỷ lệ hợp lý giữa hàng và tiền, cung và cầu ở tầm vĩ mô. Sự nhịp nhàng cân đối còn thể hiện ở sự khớp nhau về tiến độ, thời gian, phạm vi trong tiến trình hình thành và phát triển thị trường "đầu vào", "đầu ra" của quá trình sản xuất.

Sự ra đời của các loại thị trường và khả năng đồng bộ của chúng do trình độ và yêu cầu sản xuất xã hội quyết định. Nói một cách khác là nó mang tính khách quan. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện để phát triển sản xuất hàng hóa và tạo cơ sở cho thị trường phát triển. Nhà nước điều tiết, điều chỉnh thị trường bằng các công cụ quản lý vĩ mô. Không thể chủ quan "nặn ra" thị trường và khuôn ranh giới cho thị trường. Mọi sự tác động duy ý chí sẽ tạo ra thị trường ngầm, Nhà nước không quản lý được.

II. Giải pháp phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam

Gần mười sáu năm thực hiện đường lối đổi mới của cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu to lớn. GDP tăng bình quân hơn 7%/năm, năm 2002 đạt 7,04%. Cơ cấu kinh tế đã có thay đổi lớn : tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 38,7% (năm 1990) xuống còn 22,99% (năm 2002) ; các con số tương ứng về tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 22,7% lên 38,55% ; tỷ trọng dịch vụ là 38,6% và 38,46%. Đặc biệt, chúng ta đã đẩy lùi được chính sách bao vây cô lập, cấm vận của các thế lực thù địch ; khắc phục được tình trạng khủng hoảng thị trường do Liên Xô và các nước Đông Âu bị tan rã. Việt Nam đã thực hiện quá trình hội nhập có kết quả, chính thức là thành viên của ASEAN và APEC, ký Hiệp định khung với EU, Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB. Kinh tế trong nước phát triển, quan hệ quốc tế rộng mở đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Nền kinh tế chưa phát triển ổn định, cơ bản vẫn là nước nghèo, GDP trên đầu người vẫn ở mức thấp. Những yếu kém về tổ chức quản lý nền kinh tế, cải cách hành chính chậm, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài giảm sút... đang là lực cản và khó khăn cho tiến trình đổi mới.

Thị trường đã có những thay đổi lớn trong những năm qua. Thị trường mua bán hàng hóa dịch vụ phát triển khá tốt. Thị trường này hoạt động rất sôi động, khối lượng hàng hóa lưu thông tăng liên tục hằng năm với tốc độ tương đối cao ; mặt hàng ngày càng đa dạng đáp ứng được yêu cầu cơ bản của sản xuất và đời sống dân cư. Đã hình thành được thị trường thống nhất và thông suốt trong cả nước, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, từng bước đưa thị trường trong nước hội nhập khu vực và quốc tế. Đối với nhiều mặt hàng, ở một số trung tâm lớn, thị trường hàng hóa dịch vụ đã phát triển ở trình độ khá cao, tốc độ gia tăng mạnh mẽ. Thị trường này đã có đủ các thành phần kinh tế góp mặt và sự vận hành của nó, về cơ bản, được tuân thủ theo các quy luật khách quan ; sự quản lý và điều tiết của Nhà nước với thị trường hàng hóa dịch vụ đã có nhiều thay đổi theo hướng tôn trọng tính khách quan, phù hợp với tập quán, thông lệ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, quy mô thị trường hàng hóa dịch vụ vẫn còn nhỏ bé, khả năng cạnh tranh trên thị trường của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Định hướng và các chính sách về thị trường của Nhà nước còn nhiều bất cập.

Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam cũng là quá trình hình thành và phát triển của thị trường tài chính.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hóa sở hữu, tự do hóa kinh doanh, đòi hỏi phải có thị trường tài chính đủ mạnh để nền kinh tế hoạt động bình thường. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán... ra đời vừa bảo đảm sự ăn khớp giữa lưu thông hàng hóa, lưu thông tiền tệ, vừa tạo vốn cho các hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

Từ cơ chế "tiếp nhận" chuyển sang cơ chế tuyển chọn và đa dạng hóa kinh doanh, tự do hóa hành nghề trong điều kiện mở cửa với nước ngoài đã tạo tiền đề cho sự ra đời của thị trường lao động. Hiện nay, thị trường lao động phổ thông khá phát triển ; thị trường lao động có trình độ cao và đặc biệt thị trường chất xám còn nhỏ bé, trong lúc không ít cản trở như cư trú, hộ khẩu, sự chuẩn bị trình độ cho người lao động, các công ty cung ứng dịch vụ lao động đồng bộ đã làm chậm sự phát triển và đang chia cắt thị trường lao động.

Sức ép của cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Thị trường mua bán công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, hoàn thiện và nâng cao trình độ công nghệ của các nhà sản xuất kinh doanh. Thị trường này hiện nay chưa nhộn nhịp vì khả năng thanh toán của người mua còn hạn chế.

Đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước. Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, theo quy định của pháp luật không được tự do mua bán đất. Trong thực tế, người ta vẫn mua, bán đất nhưng dưới hình thức khác. Như vậy, thị trường "ngầm" mua bán đất đang tồn tại. Do đó, giá trị thật và giá trị danh nghĩa của đất đai có khoảng cách rất lớn. Giá trị của đất chuyển vào giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ không phản ánh đúng giá trị thực tế và mang tính áp đặt hành chính. Nó không bảo đảm tương đồng về giá trị với các yếu tố chi phí khác của hàng hóa tiêu dùng trên thị trường.

Để phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam, cần thực hiện những giải pháp cơ bản như sau :

Thứ nhất, tạo môi trường và điều kiện cho tự do sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sở hữu, đa dạng hóa thành phần kinh tế. Bảo đảm tự do hành nghề theo quy định của luật pháp, tự do lưu thông hàng hóa, tự do hóa lãi suất tín dụng. Doanh nghiệp được tự quyết định và chủ động trong kinh doanh. Đây là điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất hàng hóa, tạo lập cơ sở quan trọng để hình thành và phát triển các loại thị trường.

Thứ hai, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách. Bảo đảm mọi hoạt động của người mua, người bán, người sản xuất, người tiêu dùng thực hiện trong khuôn khổ luật pháp và được điều chỉnh bằng luật pháp. Đó là cách để các tư tưởng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm cơ sở ổn định và lâu dài, tạo dựng niềm tin cho người sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, xây dựng đồng bộ các chính sách về thị trường, mặt hàng, các chính sách về tài chính tiền tệ, đất đai, lao động, khoa học và công nghệ, đầu tư,... Sự đồng bộ, nhất quán của các chính sách sẽ tạo hợp lực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thị trường.

Thứ tư, giải pháp tăng nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường. Hàng hóa cho thị trường giống như lương thực cho cuộc sống của con người. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước phải cân đối tổng cung và tổng cầu hàng hóa (cả hàng hóa vô hình và hàng hóa hữu hình) theo các thời hạn khác nhau. Trên cơ sở đó, kích thích tăng hoặc kìm hãm giảm lượng hàng hóa lưu thông. Đổi mới cơ cấu nền kinh tế phải xuất phát từ yêu cầu tiêu dùng xã hội, dân cư và thông qua thị trường chứ không phải là sự áp đặt chủ quan duy ý chí. Đồng thời, Nhà nước phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể, phù hợp để định hướng phát triển, phân bố và sử dụng hợp lý các nguồn lực. Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp phải tăng đầu tư tích lũy, nhất là đổi mới công nghệ, thường xuyên thay đổi mới mẫu mã sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Để phát triển thị trường, phải có cạnh tranh. Các doanh nghiệp phải điều chỉnh, hoàn thiện để thích ứng với môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế, từng bước xóa bỏ độc quyền hành chính.

Thứ năm, đầu tư tạo tiền đề cho sự ra đời và kích thích sự phát triển của các loại thị trường. Đối với những vùng kinh tế chậm phát triển, kinh tế tự cấp tự túc còn phổ biến như vùng núi, vùng sâu, vùng xa phải đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữa các vùng, xây dựng chợ hoặc trung tâm thương mại để có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa. Ở những nơi kinh tế và thị trường phát triển chủ yếu đầu tư theo chiều sâu (đầu tư chất xám, phương tiện kỹ thuật hiện đại), phải phát triển dịch vụ, hình thành các trung tâm phát luồng và định hướng thị trường (thị trường bán buôn, trung tâm giao lưu kinh tế với nước ngoài, sở giao dịch hàng hóa, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực...).

Thứ sáu, đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, nhà kinh doanh. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Thực hiện đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.

Phát triển đồng bộ các loại thị trường theo tinh thần Đại hội lần thứ IX của Đảng vừa là vấn đề cấp bách vừa là vấn đề lâu dài. Chủ động tạo môi trường vĩ mô và khuyến khích mọi thành phần, mọi nguồn lực tham gia thị trường là vấn đề then chốt cho sự hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường ở Việt Nam.

Tiến sĩ HOÀNG ĐỨC THÂN
(Tạp chí Cộng sản)