Nhật ký lễ hội Quảng Nam
(Nhan dan online 1/4/2003)
Ngày 29-3, lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản đã khai mạc tại phố cổ Hội An với sự tham gia của hơn 10 nghìn du khách. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, cuốn hút trong những ngày diễn ra lễ hội dự kiến sẽ thu hút khoảng 30 nghìn người.
Mới hơn 15 giờ chiều 29-3 từng đoàn người và xe từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Huế và các địa phương lân cận đã lũ lượt đổ về phố cổ Hội An. Những con phố Hội An vốn đã nhỏ hẹp, bây giờ lại thêm chật chội bởi dòng người đông đúc cùng chen nhau về dự đêm hội. Hòa trong dòng người đi trẩy hội, chúng tôi có mặt tại bến sông Bạch Đằng và háo hức hướng về sân khấu nổi trên sông Hoài chờ đợi. Đúng 20 giờ, chương trình sân khấu hóa với kịch bản mang tên Quảng Nam - từ trong di sản được dàn dựng khá công phu với một dàn diễn viên "chân đất" đã thật sự mang lại cho tất cả du khách có mặt tại Hội An trong đêm khai mạc Lễ hội "Quảng Nam 2003 - hành trình di sản" một ấn tượng khó quên.
Trên sông Hoài, một sân khấu nổi có hình dạng như một chiếc thuyền đang căng buồm lướt sóng ra khơi được lắp đặt bằng hàng trăm chiếc phao nổi đủ sức chịu tải hàng chục tấn thiết bị ánh sáng và âm thanh đã được chuẩn bị sẵn sàng. Từ hai bên cánh gà sân khấu, hơn 300 diễn viên quần chúng trong trang phục những người đi mở cõi tiến dần ra sân khấu trong tiếng nhạc réo rắt của dàn nhạc cụ dân tộc đưa người xem trở về ký ức một Quảng Nam xưa khi còn là vùng đất hoang vu chưa có bóng dáng con người.
Cùng với chương trình sân khấu hóa, trên suốt một khúc sông Hoài từ cầu Cẩm Nam đến cầu An Hội được trang trí những biểu tượng di sản văn hóa và lồng đèn có hình tượng lân, long, qui, phụng rực rỡ ánh đèn. Trên khúc sông dài gần 1km này, liên tục xuất hiện những chiếc thuyền với các diễn viên trong trang phục ngư dân vùng biển, thương nhân các nước và cảnh sinh hoạt sông nước của ngư dân Hội An xưa. Hàng nghìn chiếc hoa đăng đủ mầu sắc lững lờ trôi trên sông và càng về khuya càng nhiều thêm.
Để giãn bớt dòng người đổ về phía bến sông Bạch Đằng, tại các sân khâu trong khu phố cổ cũng đồng loạt diễn ra các chương trình biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam, ca múa nhạc của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, dạ hội hóa trang và ca múa nhạc cổ truyền. Song những cố gắng của ban tổ chức lễ hội vẫn không ngăn được làn sóng du khách háo hức về dự hội. Ông Trần Minh Cả - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết ước tính có hơn 10.000 ngưòi tham dự đêm khai mạc đầy ấn tượng này. Du khách và công chúng đứng vây quanh các trục đường từ cầu Cẩm Nam, cầu An Hội, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học và phía bên kia sông là hàng trăm chiếc thuyền chở nặng người đi xem hội. Nhiều du khách nước ngoài đi muộn không làm sao chen được vào chỗ ngồi đành xem chương trình của Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Đà Nẵng qua màn ảnh nhỏ.
Sáng 30-3, hơn 1.000 du khách đã cùng hành hương bằng xe đạp và xích-lô du lịch về thăm khu di tích Mỹ Sơn, làng đúc Phước Kiều, làng dệt lụa Mã Châu, cùng tham dự lễ hội Rija Nưgar (lễ hội làng dân tộc Chăm) và tham gia các trò chơi dân gian của dân tộc Chăm - Việt.
Đến Mỹ Sơn, du khách được đón tiếp bằng bản nhạc rộn rã Siva Katê (Mầu áo xanh trên tháp cổ) và Phùm A tầy (Quê em) phát triển từ dân ca Chăm. Trên lối đi lát đá khoảng hơn 500 mét, mỗi đoạn gần 100 mét lại xuất hiện một tốp các cô gái múa hát, vẫy quạt chào đón. Vào các khu tháp cổ E, F xây dựng từ các thế kỷ thứ 7 - 9, đang được các chuyên gia khảo cổ khai quật và tham quan các nhóm tháp còn lại trước khi xem biểu diễn trích đoạn lễ Rija Nưgar (một nghi lễ quan trọng đầu năm của người Chăm, còn được gọi là lễ tống ôn) tại nhà đôi. Người Chăm làm lễ tống ôn để trừ khử , thả theo dòng nước những điều không tốt và cầu mong điều lành đến trong năm mới. Đây là những trích đoạn hùng tráng như múa khai lễ, múa đi ngựa, đạp lửa, chèo thuyền... với sự phụ họa của ba loại nhạc cụ truyền thống là trống ki-nần, trống parănưng và kèn saranai của các nghệ nhân Chăm từ Ninh Thuận đến trình diễn. Gần 100 chàng trai và cô gái trong sắc phục Chăm đứng chung quanh múa hát phụ họa. Các món ăn cây nhà lá vườn xứ Quảng được mang ra mời du khách cùng với những bát nước chè xanh rót ra từ những chiếc ấm đất. Những bài hát viết theo các điệu dân ca Chăm, Quảng cứ quấn quít theo từng bước chân của du khách suốt buổi trưa dưới bóng râm của cây rừng và những ngôi tháp cổ...
Một trò chơi khá thú vị phát triển từ sinh hoạt đi lấy nước của các cô gái Chăm từ suối về nhà. Mười lăm người thi mỗi đợt. Sau ba đợt chọn những người đầu bảng vào chung kết. Các du khách tham gia là người nhận được phiếu may mắn từ bữa ăn trưa. Giải thưởng trao cho những người đội vò nước trên đầu từ suối đi về đích nhanh nhất và không đổ. Ai không dự trò chơi này có thể xem triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật được trưng bày đây đó hoặc thả mình trên những chiếc võng mắc sẵn ở góc rừng nhìn những cánh diều Yaning bay lượn hoặc nghe các nhạc cụ dân tộc của người Kinh, người Cơ Tu, người Chăm cất lên tự do, ngẫu hứng mừng du khách. Không gian quanh sân khấu là cá gian hàng ẩm thực Quảng Nam phục vụ bữa chiều cho du khách cho đến khi lửa trại của đêm giao lưu nghệ thuật bắt đầu bùng lên.
Nhà biên kịch Hải Liên, đạo diễn chương trình Ấn tượng Mỹ Sơn cho biết, chính chương trình văn nghệ giao lưu dưới ánh lửa trại sẽ để lại ấn tượng mạnh nhất cho du khách trước khi chia tay vào 9 giờ tối. Nhưng theo chúng tôi, ngoài các tiết mục múa Tượng tháp của tác giải Đặng Hùng, Siva Katê do Đàng Đăng Đức, Hoài Sơn và hòa tấu nhạc cụ Việt, các tiết mục còn lại chưa thật sự cuốn hút người xem. Một du khách Nhật cho biết, đối với anh, các trích đoạn lễ tống ôn và thi đội nước lại thích hơn. Chúng tôi cho rằng, nếu được chuẩn bị tốt hơn ở khâu tập luyện và ráp nối chương trình chặt chẽ để giảm các thời gian chết giữa các tiết mục, Ấn tượng Mỹ Sơn sẽ được nâng lên, gây sức hút mạnh hơn. Nhưng những gì được chứng kiến ở Mỹ Sơn cũng đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng.
(Báo Tuổi trẻ và Thanh niên)