Tranh Hàng Trống sắp "tái xuất"
Cuối tháng 3 đầu tháng 4 tới, ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh Hàng Trống, sẽ có buổi trình diễn nghề tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông nói về công việc của mình.
* Thời gian qua ông đã bỏ rất nhiều công sức để khôi phục lại dòng tranh gia truyền bằng nỗ lực bản thân và qua đầu tư của một số dự án liên quan. Chẳng hay tranh Hàng Trống đã sống lại được đến đâu rồi?
- Tôi đã làm xong nhiều ván in rất tốt phục vụ cho công việc của mình. Nếu không làm đi thì mai này làm sẽ khó khăn hơn. Hiện tôi đã làm được 45 tấm ván in. Tuy có ván in, nhưng phục hồi tranh Hàng Trống là điều thực không dễ dàng. Bên cạnh đó, tôi tìm tòi các bản vẽ mẫu cũ, bản can do ông cha để lại, sưu tầm trong các bảo tàng, rồi từ bạn bè... làm thành bộ sưu tập. Tất cả bây giờ tôi có khoảng gần 200 mẫu tranh, trong đó có khoảng 30-40 mẫu đã in ra tranh. Ngoài ra tôi cũng làm được 125 bản tranh mầu hoàn chỉnh và 250 bản tranh nét đen (chưa vẽ mầu) lưu giữ trong cụm di tích Hỏa Lò chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long.
* Từ tranh mẫu cổ, việc chuyển ngược thành những tấm ván in bảo đảm bao nhiêu phần trăm?
- Tôi chuyển đến nhóm thợ khắc giỏi ở Hàng Gai hay trong đền Ngọc Sơn chuyển ngược sang ván gỗ. Họ chọn thứ gỗ mịn, dẻo nhưng rắn để nét mảnh mà không mẻ, thường là gỗ thị, gỗ mỡ hay gỗ mực. Do khổ tranh Hàng Trống rộng và liền mảng nên ván khá lớn. Mặt ván bằng phẳng, họ dán úp tờ tranh mẫu vào ván, miết kỹ cho giấy cắn chặt vào gỗ, xoa mỡ cho nét hiện rõ mặt sau của giấy rồi dùng dao nhọn sắc khắc hơi vát ra, ở hai bên nét, nậy bỏ mặt nền để nét hiện ra hơi choãi chân thang. Những nét này mảnh mai uốn lượn rất tinh tế.
* Tranh của ông thường được bày bán ở đâu?
-Làm ra một bức tranh quả thật không đơn giản, nhất là công đoạn tô mầu (không dễ dàng "nhân bản" hàng loạt như tranh Đông Hồ). Trước năm 1990 tôi làm ra chỉ đủ để cho và tặng. Cũng có người đến chơi thấy bức tranh đẹp hỏi mua, thì tôi bán. Những năm gần đây anh bạn tôi có cửa hàng tranh trên phố Hàng Trống, anh ấy đặt tôi làm tranh. Bức nào bán được thì tôi lại làm tiếp.
* Ngoài phục chế tranh Hàng Trống cổ, được biết ông còn sáng tác mẫu mới?
- Người "ra mẫu" tranh thường là người giỏi nhất trong làng nghề. Vào những năm 1970 tôi làm tranh theo hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu sách báo, có một khách hàng ngoại quốc đặt mua các tranh Rồng rắn và tranh Bịt mắt bắt dê, song không hiểu vì sao lại ghi cả tranh Kéo co nữa. Xưa nay Hàng Trống chưa hề có khuôn tranh này. Vì thế tôi đã cùng với ông cụ thân sinh (cụ Lê Đình Liệu) sáng tác ra khuôn tranh mới ấy.
* Trong thời gian tới ông tiếp tục làm gì để khôi phục tranh dân gian Hàng Trống?
- Vẽ tranh là một. Tiếp tục dạy nghề cho con là hai. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có mời tôi tham gia chương trình trình diễn của bảo tàng vào khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư tới.
* Trước buổi trình diễn thú vị này, xin ông tiết lộ đôi nét về nghệ thuật in tranh Hàng Trống?
- Có ván rồi thì chỉ việc mua giấy và phẩm mầu bán sẵn trên thị trường. Việc in nét được tiến hành trước tiên: quét mầu đen lên ván, đặt tờ giấy (giấy dó hay giấy trắng) lên trên mặt ván và xoa. Khi bóc giấy ra ta được tờ tranh chỉ có nét in đen trắng. Trên bức tranh nét đó người họa sĩ sẽ thực hiện tiếp công đoạn vẽ. Tức là tô tay từng mảng mầu một bằng bút lông. Nghệ thuật chính là dầm bút lấy mầu ít nhiều đối với ngòi bút và bụng bút lông và cường lực tay khi tô mầu nặng hay nhẹ gây được hiệu quả sáng tối, tạo cảm giác hình khối của người, vật, mây, nước...
NHƯ TRANG (thực hiện)
(Báo Thể thao và Văn hóa)