Tác giả của "Hearts & Minds" trở lại Việt Nam
* Thưa ông Peter Davis, ông vừa được bà Lady Borton (nhà văn Mỹ đang làm việc tại Việt Nam - NV) cho xem hai bộ phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương là Nơi chiến tranh đã đi qua (ĐD Vũ Lệ Mỹ) và Vùng trời bình yên (ĐD Lương Đức). Cảm nhận của ông về những bộ phim này?
- Đó là những tác phẩm có nội dung khiến tôi rất xúc động. Mặc dù trong thời đại công nghệ phát triển, phim tài liệu có thể được làm nhanh và nhiều, vì thế không ít bộ phim ra đời chất lượng kém, nhưng những bộ phim mà tôi được xem đạt một chất lượng nghệ thuật cao, vì thế chúng càng là những món quà tinh thần đối với tôi, một người cũng từng làm phim tài liệu về chiến tranh ở Việt Nam.
* Trong chuyến thăm ở đất nước chúng tôi, về mặt nghề nghiệp, chắc hẳn ông có nhiều điều muốn chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam?
- Tôi xin kể câu chuyện thế này: Hôm qua tôi ra Vịnh Hạ Long. Tôi được biết, chính quyền muốn "làng nổi" ở đó di chuyển, còn người dân thì muốn sống với "làng nổi" của họ. Nếu đây là đề tài để làm phim thì phải trả lời được câu hỏi: Những người dân ở đó đã có truyền thống lâu đời gắn bó với làng này hay đơn thuần họ ở lại chỉ vì muốn kiếm tiền từ khách du lịch. Vậy thì di chuyển là hợp lý chưa... Các nhà làm phim phải có tiếng nói của mình, đưa ra được chính kiến trước các vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống và vận dụng các nguồn tài liệu khác nhau để bảo đảm tính trung thực, khách quan của bộ phim. Bên cạnh đó, tôi thấy ngoài đề tài chiến tranh, hậu chiến là mảnh đất màu mỡ để các bạn khai thác. Ở đất nước các bạn còn nhiều vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm, rất cần sự phản ánh và lời giải đáp của phim tài liệu.
* Được biết, Hearts & Minds hiện đang được gấp rút chuyển sang dạng DVD để được phổ biến rộng rãi hơn. Phải chăng nó cũng có ý nghĩa trong bối cảnh chiến tranh có nguy cơ nổ ra ở Iraq?
- Bộ phim của tôi phơi bày sự thật về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, qua đó, người xem thấy đau xót cho những tội ác mà nó gây ra. Để làm bộ phim này, tôi đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau: các cuộc phỏng vấn (một số nhân vật như Walt Rostow - phụ tá Tổng thống Kennedy và Johnson, đại tướng William Westmoreland - chỉ huy quân sự ở Việt Nam từ 1964-1968, Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Bộ trưởng nội các Sài Gòn v.v...), các thước phim thời sự và các cảnh quay tại chỗ ở Việt Nam. Tất cả để chuyển tải một thông điệp: 'Muốn chiến thắng trong một cuộc chiến tranh, trước tiên người ta phải giành được trái tim và khối óc của những người đang sống". Tôi nghĩ, xem phim sẽ là dịp rất tốt để người ta nghĩ nhiều về chiến tranh. có thái độ đúng đắn về nó.
Tôi hy vọng bộ phim sẽ góp một tiếng nói nào đó cho cuộc chiến tranh sắp tới ở lraq. Tôi không muốn chiến tranh lại xảy ra ở bất cứ đâu trên thế gian này.
* Ông từng là một người tham gia rất tích cực trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nghe nói năm 1972 ông quyết tâm sang Việt Nam để phơi bày sự thực qua những thước phim của mình, bất chấp lời khuyên ngăn của vợ ông?
- Năm đó, vợ chồng tôi đang có hai đứa con còn rất nhỏ. Khi biết tôi sắp sang Việt Nam để làm phim, vợ tôi đã khóc rất nhiều. Vì bà ấy không nghĩ tôi sẽ trở về. Nhưng may mắn là tôi trở về an toàn, nhưng một thời gian sau thì bà ấy mất.
* Cuộc sống của ông bây giờ ra sao, thưa ông?
-Sau đó tôi đi bước nữa và sinh thêm hai con. Tôi từng sống ở New York, gây dựng sự nghiệp điện ảnh ở đó rồi đến California, Boston và trở về ở New York tiếp tục làm phim.
* Sau 30 năm, đến Việt Nam, chắc hẳn ông có nhiều cảm xúc?
- Năm 1972, đất nước Việt Nam bị tàn phá quá nhiều, bây giờ thì Việt Nam thật sự đã thay da đổi thịt. Vết tích chiến tranh dường như không còn nữa. Người ta thường nói Việt Nam là điểm đến an toàn, tôi còn khám phá ra nhiều điều thú vị nữa. Chẳng hạn, gặp những người Mỹ ở đây, tôi thấy ai cũng rất tốt bụng. Tất nhiên, khi gặp họ ở Cali, Boston hay nơi nào trên đất nước Mỹ tôi cũng có thể nói chuyện với họ, nhưng sang đây, tôi cảm thấy họ trở nên thân thiện, rất thân thiện. Họ dẫn tôi đến giới thiệu với các bạn bè Việt Nam, các nhà làm phim, nhà văn... Điều đặc biệt là người dân Việt Nam rất cởi mở và chân thành. Tôi rất cảm động trước tình cảm đôn hậu, nhiệt tình của nhân viên khách sạn Metropole. Họ dành cho tôi căn phòng đẹp nhất của khách sạn, nơi các nghệ sĩ lớn, các đại chính trị gia từng lưu lại. Theo tôi, sự hiếu khách đó cũng là một phần của văn hóa Việt Nam. Tôi dự định đem chia sẻ những cảm xúc của mình với độc giả của Nation - một tờ báo lâu đời ở Mỹ. Tôi muốn các độc giả hiểu mảnh đất này, có ý thức về nó và hy vọng những người như tôi sẽ còn quay lại đây nhiều hơn.
T.S (thực hiện)
(Báo Thể thao - Văn hóa)