Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài gòn (TBKTSG) nhân 1 năm hiệp định thương mại Việt – Mỹ

(Ngày 26/1/2002)

TBKTSG: Xin Đại sứ cho biết khái quát tình hình thực hiện HĐTM trong năm qua?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Một năm qua là quá sớm để đánh giá ý nghĩa và tác động của Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (HĐTMVM) trong việc thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai bên. Về đại thể, tình hình thực hiện HĐTMVM trong năm qua là khả quan. Buôn bán tăng nhanh, giao lưu kinh tế và hợp tác về khoa học và công nghệ khá sôi động. kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến tăng hơn 60% so với năm trước. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật. Trong năm qua, các nhà đầu tư Mỹ càng quan tâm và tăng đầu tư vào Việt Nam, mặc dù về giá trị chưa lớn. Mặt khác, cần phải thấy tác động kích thích của HĐTMVM đối với nhiều đối tác đầu tư của các nước khác… Khách du lịch Mỹ vào Việt Nam trong năm tăng khoảng 12% so với năm trước. Trong đó tỷ lệ thương gia Mỹ và bà con người Việt về nước tăng nhanh.

Điều quan trọng là năm qua, các doanh nghiệp hai bên đã bắt đầu đi vào tìm hiểu các khả năng và nhu cầu dài hạn của nhau, tìm kiếm các cơ hội buôn bán đầu tư, kinh doanh để hợp tác, thể hiện sự quan tâm và coi trọng tiềm năng của nhau, mặc dù tương quan rất khác. Năm qua là năm mở đầu quá trình các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khá nhanh với các đối tác mới và thực tiễn kinh doanh ở một thị trường mới là Mỹ. Nhân đây, tôi muốn cám ơn sự hỗ trợ của các nghị sỹ Mỹ, các quan chức chính quyền Mỹ đã ủng hộ sự phát triển quan hệ hai nước; cám ơn Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, Phòng Thương mại Mỹ ở Việt Nam, các tập đoàn, công ty Mỹ đang hợp tác với Việt Nam… về những trợ giúp đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

TBKTSG: Theo Đại sứ, điều gì là đáng chú ý nhất hiện nay trong quan hệ thương mại giữa hai nước?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Có lẽ điều đáng chú ý nhất trong năm qua là vấn đề tranh chấp thương mại. Trong quan hệ với bên ngoài, các tranh chấp về các hợp đồng buôn bán cụ thể thì các doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều đã có kinh nghiệm, song lần này đã xuất hiện tranh chấp thương mại với Mỹ liên quan đến toàn bộ một ngành sản xuất như vụ cá da trơn ba sa, tra (catfish). Đây là vấn đề mới đối với Việt Nam không những về tính chất, phạm vi mà còn về đặc điểm luật lệ, văn hóa kinh doanh của đối tác… Vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá basa là vụ kiện vô lý do các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ khởi xướng. Nhưng đó là một thực tế ở Mỹ mà chúng ta phải tiếp cận, xử lý nhằm bảo vệ lợi ích của mình, tương tự như các nước khác trong quan hệ với Mỹ. Quá trình khiếu kiện cũng là một quá trình tích lũy thêm kinh nghiệm.

TBKTSG: Theo Đại sứ, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp những khó khăn cụ thể gì trong xúc tiến thương mại và đầu tư trong thị trường Mỹ?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Trước hết, tôi cho rằng, về cơ bản, HĐTMVM là cơ sở để thiết lập môi trường pháp lý kinh doanh cùng có lợi cho cả hai bên. Đó là thuận lợi chung rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong quá trình thực hiện HĐTMVM sẽ còn xuất hiện những vấn đề mới, kể cả những khó khăn do nhiều nguyên nhân. Một điểm cụ thể như, các doanh nghiệp Việt Nam hiện rất khó xin visa để vào Mỹ làm ăn. Không chỉ Đại sứ quán mà cả lãnh đạo cấp cao của ta đã đề nghị phía Mỹ xem xét yêu cầu chính đáng của các doanh nhân Việt Nam để cải thiện vấn đề này.

Qua những cuộc thăm và tìm hiểu thị trường đối tác Mỹ của các đoàn doanh nghiệp VN vừa qua, chúng ta đã thu được những hiểu biết và kinh nghiệm bước đầu cần thiết. Các đoàn đạt kết quả khi có sự chuẩn bị bài bản nhất định, sự phối hợp tốt về thông tin giữa trong và ngoài nước và nói chung là biết trước về đối tác. Tuy nhiên, để hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư có hiệu quả hơn, việc tiếp tục tìm hiểu sâu văn hóa, thông lệ, cách thức kinh doanh ở Mỹ là rất quan trọng.

Thị trường Mỹ có thể nói về cơ bản đã được “phân chia” bởi hệ thống các tập đoàn lớn xuất nhập khẩu, bán buôn và vô số công ty nhỏ, cửa hàng bán lẻ. Đại đa số hàng tiêu dùng tại Mỹ thường được các tập đoàn Mỹ đặt mẫu mã cho nước ngoài rồi nhập khẩu vào thị trường nội địa. Không ít trường hợp, tiếp theo sau các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa đó là việc đầu tư sản xuất ở nơi xuất xứ nếu môi trường đầu tư thuận lợi. Tôi muốn nhấn mạnh một cách làm là: để có đối tác Mỹ, ngoài việc đi chợ trên mạng internet, thường doanh nghiệp các nước phải tham gia các hội chợ về ngành hàng quan tâm tại Mỹ, thử nghiệm sức cạnh tranh hàng hóa của mình ngay tại chỗ và qua đó tiếp xúc trực tiếp đối tác để lập quan hệ. Tất cả những hoạt động đó rất tốn kém, nhưng những gì cần chi phải hiệu quả cho làm ăn lâu dài thì doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn chi.

Hỏi: Vậy triển vọng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới?

Trả lời: Sự tăng trưởng về khối lượng buôn bán và đầu tư giữa VN và Mỹ trong năm đầu tiên của HĐTMVM đã tạo đà rất quan trọng cho sự phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong thời gian tới. Mặc dù so với tiềm năng của hai bên cùng thực tế buôn bán và đầu tư của các nước quanh ta với Mỹ, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, song tương lai quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước có thể nói là lạc quan.

Trước hết, cả hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ đều có triển vọng tăng trưởng. Các mặt hàng của Việt Nam như nông sản nhiệt đới chế biến, cà phê, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ và các mặt hàng tiêu dùng trong gia đình và hàng thủ công mỹ nghệ đều có thể tiếp tục gia tăng vào Mỹ vì đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh và người Mỹ không hoặc ít sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ mới và thực hiện các biện pháp khác để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh với hàng hóa của nước thứ ba trên thị trường Mỹ. Điều quan trọng nữa là phải theo kịp sự thay đổi liên tục , đa dạng của nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng dù tình hình kinh tế Mỹ có ra sao thì sức mua, sức tiêu dùng to lớn của thị trường này vẫn có chỗ cho số lượng hàng hóa khiêm tốn của Việt Nam để ta “phấn đấu” xuất khẩu vào Mỹ. Tất nhiên là còn tùy thuộc vào môt vài yếu tố khác, kể cả yếu tố khó lường trước liên quan đến tình hình quốc tế nói chung.

Cần phải coi trọng việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và thành phố lớn của hai nước, nhất là thông qua các trung tâm thương mại của nhau. Phù hợp với chính sách đối với cộng đồng người Việt ở bên ngoài, Nhà nước hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con người Việt ở Mỹ về đầu tư, buôn bán, hợp tác kinh doanh trong nước cũng như hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xuất hàng vào Mỹ. Đó cũng là một tiềm năng đáng quý và là một kênh quan trọng của hợp tác giữa hai nước.