Doanh nghiệp Việt Nam chủ động hội nhập và cạnh tranh
Hà Nội (TTXVN 6/2/2003)
Với phương châm chủ động hội nhập và cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam chính thức gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào tháng 7/2003, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực đầu tư tìm hướng làm ăn mới, nhằm khẳng định vị trí của mình ở thị trường nước ngoài và ngay tại sân nhà.
Quá trình làm ăn với doanh nghiệp các nước và những kinh nghiệm thu được qua các chuyến khảo sát thị trường đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ rằng tính độc đáo về chủng loại hàng hóa, đa dạng về mẫu mã và một thương hiệu uy tín, mới là "bảo bối" để cạnh tranh.
Cách đây 3 năm, khi thị trường hàng xuất khẩu đồ gỗ bị rớt giá liên tục, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Satimex (TP.HCM) đã mạnh dạn tổ chức cho hơn 100 kỹ thuật viên đi học tập kinh nghiệm sản xuất tiên tiến tại Nhật Bản, đầu tư cải tiến công nghệ và phương thức quản lý, nhờ đó sản phẩm của nhà máy đã cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc và Malaixia. Hiện nay Satimex đang gấp rút hòan thành đơn đặt hàng xuất khẩu đồ gỗ cho một công ty cung ứng đồ gỗ hàng đầu của Nhật Bản trị giá 2,64 triệu USD. Không chỉ giành được đơn hàng mới của năm 2003, mà cả năm 2002 Satimex đã giành được 50% đơn hàng của công ty này trên thế giới.
Năm nay, Satimex có kế họạch đầu tư 5,8 tỉ đồng lắp đặt thêm hai phân xưởng sản xuất theo công nghệ tiên tiến và "tung" ra một loạt chính sách khuyến mại cho các khách hàng, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 triệu USD trong năm 2003.
Cùng với Satimex, Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô vừa đầu tư 4,5 triệu USD lắp đặt 3 dây chuyền sản xuất mới và dự kiến sắp tới sẽ vận hành thêm một dàn máy sản xuất bánh kẹo cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu. Hiện công ty đang gấp rút hoàn thành hợp đồng xuất khẩu mới của năm 2003 với khối lượng xuất khẩu mỗi tháng trên 1000 tấn bánh kẹo đi Mỹ, Nhật, gấp 5 lần đơn hàng năm 2002. Ngoài khách hàng trong khu vực, Kinh Đô đã ký xong hợp đồng xuất khẩu với khách hàng ở 30 nước trên thế giới. Nhân dịp Seagames 22, Công ty dự định sẽ hợp tác với ngành du lịch để quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình tới khách hàng trong và ngoài nước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 6,2 triệu USD trong năm nay.
Công ty may Việt Tiến cũng đã mở đầu chiến dịch hội nhập của mình bằng hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ trong quý 1/2003 với tổng trị giá 6,5 triệu USD. Khi Việt Nam gia nhập AFTA, Công ty dự định sẽ mở 8 đại lý bán hàng tại các nước ASEAN để giới thiệu sản phẩm, thông qua đó mở rộng quan hệ hợp tác, lựa chọn những nhà cung cấp nguyên liệu có giá thành rẻ, để chuẩn bị cho việc ra đời một lọat sản phẩm thời trang cao cấp đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các hãng thời trang khu vực. Năm 2002, 80% sản phẩm của công ty đã có mặt ở thị trường Anh, Pháp, Đức, Italia với doanh thu đạt trên 1000 tỉ đồng, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 40,4%.
Cùng với việc coi trọng chiến lược sản phẩm, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của thương hiệu như một công cụ cạnh tranh. Các vụ làm hàng giả, hàng nhái sản phẩm thuốc lá Vinataba, Cafe Trung Nguyên, mỳ Vifon ở thị trường ngoài nước, là bài học xương máu cho các doanh nghiệp Việt Nam về việc coi nhẹ thương hiệu. Qua phỏng vấn nhanh 50 khách hàng tại các siêu thị ở TP.HCM, 61% rất quan tâm đến nhãn hiệu sản phẩm, 78% cho rằng nhãn hiệu liên quan đến tín nhiệm và thói quen mua hàng và 61% coi nhãn hiệu đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để giữ được thương hiệu của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác tiếp thị và mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa. Sữa Vinamilk, giày dép Biti's, bóng đèn Điện Quang, bánh kẹo Kinh Đô là những doanh nghiệp làm tốt công tác này. Nhờ đó trong nhiều năm liền, sản phẩm của các doanh nghiệp này luôn được người tiêu dùng tín nhiệm và đã có mặt tại một số nước trong khu vực.
Theo điều tra 201 doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.HCM, 90 doanh nghiệp cho rằng có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc, 39 doanh nghiệp có thể cạnh tranh với sản phẩm của khối EU do tin vào chất lượng hàng hóa (79%), giá cả phù hợp (53,7%), giao hàng đúng hẹn (47%) và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng (37%). Hiện nay hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố thu được từ thị trường châu Âu và Mỹ.