Việc cho nhận con nuôi quốc tế sẽ tập trung về một đầu mối
Hà Nội (TTXVN 6/1/2003)
Việt Nam sẽ thành lập Cơ quan con nuôi quốc tế trực thuộc bộ Tư pháp với vai trò giám sát toàn bộ hồ sơ đầu vào và đầu ra của việc nhận con nuôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết như vậy.
Về nguyên tắc cho, nhận con nuôi quốc tế, ông Hùng nêu rõ: Việc người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em có quốc tịch Việt Nam làm con nuôi chỉ được xem xét, giải quyết nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập Hiệp định quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi.
Chính phủ Việt Nam cho phép các tổ chức con nuôi được phép họat động tại Việt Nam nhưng cũng chỉ là tổ chức của những nước đã ký hiệp định. Các tổ chức này đăng ký họat động ở địa phương nào thì chỉ được phép họat động ở địa phương đó và chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh sở tại.
Riêng với những trường hợp người muốn xin con nuôi không thuộc những nước đã ký hiệp định và mong muốn này hoàn toàn chính đáng, đơn đề nghị sẽ được xem xét giải quyết nếu người đó xin đích danh trẻ em mà trẻ em này đang sống tại gia đình và có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi. Trường hợp xin đích danh trẻ cũng sẽ được giải quyết với điều kiện người nước ngoài thuộc những nước không ký hiệp định phải có thời gian sống ở việt Nam từ 6 tháng trở lên.
Ông Cường cũng nói rõ thêm về trình tự cho, nhận con nuôi quốc tế, theo đó, Cơ quan con nuôi quốc tế trực thuộc bộ Tư pháp sẽ tiếp nhận hồ sơ xin con nuôi từ phía đối tác (thuộc nước đã ký hiệp định). Sau khi cơ quan này xem xét đánh giá hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý tổ chức con nuôi nước ngoài mới ra quyết định cho trẻ đi làm con nuôi. Khi xuất cảnh, đại sứ quán nước nhận con xác nhận và báo cáo về Cơ quan con nuôi quốc tế thì lúc đó mới hoàn tất thủ tục cho nhận con nuôi.
Nước có tổ chức con nuôi hoạt động tại Việt Nam cũng phải thành lập một cơ quan tương ứng như Cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam. Những người nước ngoài xin con nuôi phải được sự kiểm tra, giám sát của cơ quan này. Các cơ quan này sẽ kiểm tra tình trạng bố mẹ nuôi của các cháu thế nào và báo cáo thường xuyên với nhau về cuộc sống của các cháu ở nước ngoài theo những quy định của hiệp định.
Nếu như bố mẹ nuôi không đồng ý thì bố mẹ đẻ đứa trẻ sẽ hoàn toàn không dược biết địa chỉ của bố mẹ nuôi cho đến khi dứa trẻ tròn 18 tuổi, nhằm tránh tình trạng những tổ chức hoặc cá nhân nào đó lợi dụng việc cho con nuôi để trục lợi.
Cho đến nay Việt Nam mới ký một hiệp định duy nhất hợp tác nuôi con nuôi với Pháp. Trước mắt chỉ có các tổ chức giới thiệu con nuôi thuộc khuôn khổ hiệp định Việt-Pháp mới được phép họat động. Hiện Bộ Tư pháp đang xem xét để trình Chính phủ ký kết những hiệp định tương tự với một số nước khác như Đan Mạch, Italia.