Công tác đối ngoại Việt Nam năm 2002 đạt nhiều kết quả quan trọng
Hà Nội (TTXVN 19/12/2002)
Năm 2002, Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà Phan Thúy Thanh đã khẳng định điều này tại cuộc họp báo chiều 19/12, tại Hà Nội.
Bà Thanh cho biết: quan hệ hợp tác với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực đều được thúc đẩy cả về lượng và chất. Các nước và các đối tác đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định và an ninh ở Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy theo phương châm 16 chữ. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tháng 2/2002. Các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo các ngành và địa phương hai nước tiếp tục được tăng cường.
Quan hệ hợp tác đặc biệt và toàn diện với Lào tiếp tục được thắt chặt và phát triển. Hai bên đã tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Quan hệ với Campuchia tiếp tục được củng cố, hợp tác kinh tế giữa hai nước được đẩy mạnh với nhiều dự án hợp tác.
Quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Cuba không ngừng phát triển, sự tin cậy lẫn nhau ngày càng được củng cố. Trong chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai bên đã thỏa thuận nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mà hai bên có tiềm năng.
Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN với những sáng kiến cụ thể và thiết thực, góp phần củng cố các nguyên tắc của ASEAN và nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN. Quan hệ song phương với từng nước ASEAN tiếp tục được thúc đẩy, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại.
Quan hệ giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Á- Thái Bình Dương được tăng cường: Quan hệ với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tiếp tục được củng cố và phát triển qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Quan hệ với Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới với các chuyến thăm của Thủ tướng Koizumi và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và việc hai bên chủ trương xây dựng quan hệ đối tác tin cậy và ổn định lâu dài trong tương lai. Quan hệ hợp tác với Hàn Quốc tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là về kinh tế- thương mại. Quan hệ hữu nghị truyền thống với Ấn Độ tiếp tục được củng cố.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Liên bang Nga với các chuyến thăm của Chủ tịch Chính phủ M. Kasianov và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh càng được củng cố và tăng cường; hợp tác kinh tế thương mại Việt - Nga có bước phát triển và mở rộng.
Quan hệ truyền thống với nhiều nước Đông Âu và các nước SNG được khôi phục và có những bước phát triển mới. Quan hệ với các nước ở Trung Đông, Châu Phi và Mỹ- La tinh được thúc đẩy, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại. Trong các chuyến thăm của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến các khu vực này, Việt Nam và các nước đã ký nhiều Hiệp định và thỏa thuận hợp tác.
Quan hệ với Hoa Kỳ tiếp tục cải thiện. Hai bên tiến hành trao đổi nhiều đoàn chính quyền, Quốc hội và doanh nghiệp. Quan hệ thương mại có những bước phát triển quan trọng.
Quan hệ hợp tác với các nước Tây Bắc Âu tiếp tục phát triển, đặc biệt qua chuyến thăm Pháp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và chuyến thăm một số nước trong khu vực của Thủ tướng Phan Văn Khải. Các nước EU đều ủng hộ việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư đối với Việt Nam cũng như việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Về việc tiếp tục quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, bà Phan Thúy Thanh nói: Việt Nam đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác trong ASEAN như thúc đẩy thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội, phát triển hành lang Đông- Tây, hợp tác Tiểu vùng Mekông, hợp tác Đông Á; tích cực thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án về hợp tác phát triển, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư trong ASEM, APEC; tiếp tục trao đổi với Nhóm công tác của WTO về Việt Nam và tiến hành đàm phán song phương với một số nước về việc Việt Nam gia nhập WTO.
Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao đa phương ở khu vực và trênt hế giới. Tại Khóa họp 57 Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng; Việt Nam đã phát huy tốt vai trò là thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và tổ chức Y tế thế giới (WHO); tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 23 Liên minh Nghị viện các nước ASEAN (AIPO) và hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch AIPOP: Việt Nam được chọn đăng cai Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 năm 2004 và Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006.
Về phương hướng hoạt động đối ngoại năm 2003, Bà Phan Thúy Thanh nêu một số điểm chính là: Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tăng cường chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài và không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Tiếp tục thúc đẩy hoạt động đối ngoại trên mọi lĩnh vực theo hướng nâng cao hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường trao đổi văn hóa, khoa học công nghệ , giáo dục, tạo dựng khuôn khổ quan hệ hữu nghị và hợp tác ổn định, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài với các nước; Tiếp tục chủ động hội nhập tham gia hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển.