Bom mìn thời chiến tranh vẫn rình rập người Quảng Trị


Hà Nội (TTXVN 16/12/2002)

Cho đến tận bây giờ ở Quảng Trị người dân dựng một căn nhà nhỏ cũng phải dò mìn, bất cứ một dự án đầu tư nào vào Quảng Trị cũng phải tính đến kinh phí rà phá bom mìn đầu tiên.

Và cũng không có nơi nào những đứa trẻ cắp sách đến trường phải mang theo giáo trình dạy cách phòng, tránh bom mìn chưa nổ. Chiến tranh đã qua đi gần 30 năm, nhưng bom mìn Mỹ vẫn đã và đang gieo chết chóc cho người dân Quảng Trị. Từ năm 1975 đến cuối tháng 11/2002, đã có 6.720 người ở Quảng Trị chết và bị thương do bom mìn, chiếm 1,1% dân số của tỉnh.

Tỉnh Quảng Trị nằm hai bên sông Bến Hải, ngay trên vĩ tuyến 17. Vị trí địa lý có một không hai đó đã khiến nó trở thành một trong những mặt trận ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Đây là nơi hứng chịu bom đạn với mật độ cao nhất ở Việt Nam. Trung bình mỗi ngày máy bay Mỹ ném xuống vùng đất này khoảng 120 tấn bom. Quân đội Mỹ cũng đã lập ở đây hàng rào điện tử Mắc Namara với hệ thống dây thép gai điện và những bãi mìn trùng điệp.

Sau năm 1975, công binh và dân quân địa phương tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn trên diện tích 261.000 ha. Tuy nhiên, cho đến nay, Quảng Trị vẫn còn trên 400.000 ha đất còn bom mìn và vật liệu nổ, đe dọa tính mạng của những người dân vô tội. Ước tính ở đây còn khoảng 2,5 triệu trái bom mìn và để dọn sạch cần ít nhất 17,5 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Minh Kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, tại đây cần thành lập một trung tâm điều phối các hoạt động liên quan khắc phục hậu quả chiến tranh. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp thông tin về bom mìn trên diện rộng; tiếp nhận, chuyển giao, cung cấp các dịch vụ rà phá bom mìn; đào tạo lực lượng rà phá; tuyên truyền cho nhân dân cách phòng tránh hậu quả do bom mìn gây ra. Ông Kỳ cho biết thêm, ý tưởng thành lập trung tâm này đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và hy vọng sẽ được các cơ quan hữu quan Việt Nam hỗ trợ.

Hiện nay, bằng nguồn kinh phí ngân sách, các lực lượng công binh đang tiến hành rà phá tập trung tại các khu vực ưu tiên về phát triển kinh tế xã hội như đường Hồ Chí Minh, Khu thương mại Lao Bảo.

Quảng Trị được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm Chương trình hợp tác rà phá bom mìn với các tổ chức quốc tế từ năm 1996. Từ đó đến nay, các tổ chức quốc tế như SODI/Gerbera (Đức), Nhóm cố vấn bom mìn-MAG (Anh), Cây Hòa bình Việt Nam-PTVN (Mỹ), Clear Path International-CPI (Mỹ) đã giúp tỉnh Quảng Trị rà phá trên 657 ha đất, phát hiện và phá hủy 43.676 quả bom mìn và vật liệu nổ. Tại các khu vực đã hoàn thành việc rà phá bom mìn, các tổ chức này cũng đã hỗ trợ xây dựng các làng tái định cư hoàn chỉnh về hạ tầng cơ sở (đường sá, điện, nước sạch, trường học, nhà cửa) cũng như các hoạt động hỗ trợ tăng thu nhập (tín dụng cho chăn nuôi, trồng trọt).

Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh đã soạn thảo, xuất bản cuốn "Giáo trình đặc biệt" dành cho học sinh nhằm giúp các em nhận biết các loại vũ khí, các vật nổ; thực hành các thao tác sơ cứu các vết thương chảy máu.

Tỉnh Quảng Trị hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 217 USD/năm, bằng 54,2% mức bình quân của cả nước. Có đến 35% diện tích đất không thể định cư, canh tác vì còn đầy vũ khí chiến tranh./.