Số liệu thống kê về giới ở Việt Nam
Hà Nội ( TTXVN 11/12/2002)
Ông Ryan, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam và bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã công bố tờ rơi dữ liệu thống kê về giới ở Việt Nam tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, tại Hà Nội.
Tờ rơi bao gồm 26 mục dữ liệu, nêu bật những khác biệt giữa nam giới và phụ nữ trong 5 lĩnh vực là dân số và sức khỏe, giáo dục và tỷ lệ biết chữ, thành phần hộ gia đình, tham chính, lao động và hoạt động kinh tế vừa được công bố tại Việt Nam.
Tờ rơi được biên soạn nhằm nâng cao nhận thức và đưa ra một số khác biệt chính về giới- giữa phụ nữ và nam giới.
Số liệu về giới cho thấy Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hôi cao nhất châu Á và đứng thứ hai trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Tuổi thọ trung bình của nữ trong giai đoạn 1999-2004 cao hơn từ 5 đến 6 tuổi so với nam giới. Ở nhóm tuổi thấp nhất, tỷ lệ trẻ em gái và trai đi học gần ngang nhau, nhưng sự chênh lệch giới vẫn tồn tại ở các nhóm tuổi cao hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề bất bình đẳng về giới tồn tại. Ví dụ như phụ nữ chiếm 2/3 số người mù chữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em gái lớn hơn rất nhiều so với trẻ em trai.
Trong lễ công bố tờ rơi, khi đưa ra ví dụ về các vấn đề sức khỏe, bà Hà Thị Khiết nhấn mạnh rằng" Mặc dù tình trạng sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái thường kém hơn, những cũng có một số vấn đề đáng lưu ý về sức khỏe nam giới và trẻ trai có thể nhìn nhận trên cơ sở trên cơ sở giới một nửa số nam giới ở Việt Nam sử dụng các sản phẩm thuốc lá và hơn 1/3 dân số Việt Nam hút thuốc là; đại đa số người nhiễm HIV là nam giới; tai nạn giao thông xảy ra với nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 49 phổ biến hơn so với phụ nữ.
Cũng tại lễ công bố, Ông Ryan, Đại diện thường trú của UNDP cho biết, các đại biểu tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ được lưu ý rằng mọi chủ thể có thể tham gia vào các hoạt động phát triển cần có trách nhiệm trong việc xem xét và quyết tâm thực hiện những hành động cụ thể và bảo đảm rằng những nỗ lực sẽ được khắc phục một cách hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giới và tăng cường bình đẳng giới.
Năm 2001, ở Việt Nam có khoảng 370 tổ chức phí chính phủ quốc tế hoạt động, 40 trong số này có văn phòng đại diện và 60 có văn phòng dự án, số còn lại có giấy phép hoạt động. Tổng giá trị tài trợ hàng năm của các tổ chức này vào khoảng 84 triệu USD. Các tổ chức này hoạt động ở tất cả các tỉnh thành phố và thường tập trung vào các vấn đề giảm nghèo, nâng cao sự bình đẳng xã hội, giảm nguy cơ bị xâm hại, tăng cường sự tham gia và vai trò của người nghèo và các đối tượng thiệt thòi./.