Việt Nam thực hiện cam kết


Hà Nội (TTXVN 11/12/2002)

"Tăng trưởng kinh tế mạnh đang đi kèm với mức nợ nước ngoài ở mức kiểm soát được", Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã nhận định như vậy về tình hình kinh tế Việt Nam trong báo cáo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, họp tại Hà Nội trong các ngày 10 và 11/12.

Báo cáo viết:

"Sau giai đoạn bị chững lại do khủng hoảng ở Đông Á, Việt Nam lại tăng trưởng tương đối mạnh. Sự cải thiện này một phần là do một loạt các biện pháp chính sách đưa nền kinh tế theo một quỹ đạo tăng trưởng trung hạn tốt hơn. Lòng tin trong khu vực tư nhân được đẩy mạnh nhờ chương trình cải cách chi tiết được thông qua vào năm 2001. Các doanh nghiệp mới của tư nhân hiện đang được thành lập với tốc độ 1600 doanh nghiệp mỗi tháng, và vào đầu năm 2002, Hội nghị Trung ương 5 đã dành cho khu vực tư nhân sự ủng hộ mạnh mẽ nhất. Các nhà đầu tư đang phản ứng tích cực trước những tuyên bố và cam kết cải cách mà Việt Nam đưa ra. Đất nước đang được xếp hạng tốt hơn bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế về rủi ro quốc gia và tình hình kinh tế vĩ mô cũng ổn định. Mặc dù thị trường bên ngoài có những bất lợi về nhu cầu và giá, xuất khẩu dự kiến sẽ nhích lên do có những nỗ lực tự do hóa thương mại, bao gồm hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Tăng trưởng kinh tế mạnh đang đi kèm với mức độ nước ngoài ở mức kiểm soát được.

Viễn cảnh thuận lợi này, kết hợp với tiềm năng tăng trưởng dài hạn đáng kể của Việt Nam, cho thấy rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Đông Á đã đi qua. Một giai đoạn với tăng trưởng GDP cao, có lẽ ở mức 7% một năm, là hoàn toàn có thể. Cũng như trong giai đoạn của những năm 90, Việt Nam có thể bước vào một giai đoạn thịnh vượng. Tuy nhiên, đánh giá lạc quan này về triển vọng kinh tế vĩ mô không nên dẫn đến tinh thần tự mãn. Trong giai đoạn tăng trưởng cao trước đây, một câu hỏi then chốt là liệu Việt Nam có chuyển sang kinh tế thị trường được không. Còn ngày nay, câu hỏi là loại kinh tế thị trường nào. Cũng vậy, giai đoạn tăng trưởng cao trước đây đã đi kèm với giảm nghèo đáng kể. Năm 1998, người nghèo chiếm 37% dân số, so với tỉ lệ 58% 5 năm trước đó. Câu hỏi của ngày hôm nay là người nghèo liệu có còn tiếp tục được hưởng lợi trong giai đoạn tăng trưởng nhanh lần này như giai đoạn trước không?

Việt Nam đã cam kết phát triển về công bằng xã hội. Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện mới hoàn tất gần đây đã biến chiến lược chuyển đổi sang kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa thành những hành động cụ thể của chính phủ. Nó nhằm vào việc mở cửa đất nước với nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Nó nhấn mạnh rằng công cuộc chuyển đổi này phải vì người nghèo, và lưu ý rằng cũng sẽ có đòi hỏi phải có đầu tư mạnh mẽ hơn vào vùng nông thôn và những vùng tụt hậu, và thực hiện cải cách từ từ hơn so với những gì mà các chuyên gia quốc tế thường khuyến cáo. Nó cũng chú trọng mạnh vào giảm nghèo và công bằng xã hội, và vào một nền quản trị nhà nước hiện đại hơn. Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện là một sản phẩm mà chính phủ Việt Nam, với sự tham gia của tất cả các cơ quan và ban ngành hữu quan trong quá trình soạn thảo. Tính chủ quyền và quyết tâm đó là một dấu hiện đáng mừng".

Sau khi phân tích kỹ ba thách thức lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh cải cách, giảm nghèo và cải thiện chất lượng quản lý Nhà nước, Báo cáo nhận định: "Các mục tiêu phát triển của Việt Nam cho thập kỷ tới là đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được"./.