Việt Nam chuẩn bị các kế hoạch cụ thể gia nhập WTO

Hà Nội (TTXVN 13/11/2002)

Chính phủ Việt Nam coi trọng việc hội nhập quốc tế và mở rộng thương mại với các nước và chỉ rõ rằng việc Việt Nam gia nhập WTO là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc bà Ninh Thị Bình đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc thảo luận của Ủy ban các vấn đề kinh tế-tài chính về đề mục "Buôn bán và phát triển quốc tế" trong khuôn khổ Khóa họp 57 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngày 12/11.

Bà Bình nêu rõ, để đảm bảo thắng lợi cho các cuộc hội đàm về việc Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã chuẩn các kế hoạch hành động cụ thể và bắt đầu các cuộc thương lượng tay đôi với các nước thành viên của WTO. Việt Nam cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này và hy vọng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các nước thành viên của WTO và cộng đồng quốc tế đối với việc Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2004.

Về vai trò của Thương mại trong phát triển và trong xóa đói giảm nghèo của các nước đang phát triển, vị đại biểu của Việt Nam khẳng định thương mại đóng vai trò quan trọng trong khu vực này, do đó cần phải có một hệ thống thương mại quốc tế bình đẳng, minh bạch, an toàn và không phân biệt để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tham gia.

Đại biểu Việt Nam bày tỏ lo ngại về tình trạng thương mại quốc tế giảm sút, giá hàng giảm, thuế quan cao, ít tiến bộ trong tự do hóa thương mại và nêu rõ rằng tình trạng này đòi hỏi phải có các biện pháp cụ thể, nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế để giải quyết.

Để tăng cường năng lực của các nước đang phát triển về thương mại, Bà Bình nêu ra rằng, cần phải tăng cường vai trò của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) hơn nữa. Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và yêu cầu WTO điều chỉnh để tập trung vào những vấn đề cấp thiết của các nước đang phát triển, như mở cửa thị trường nông sản, may mặc, công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Các quy chế cư xử đặc biệt cho các nước kém phát triển cần được thực hiện nghiêm túc, các nước phát triển cần mở cửa thị trường cho các nước đang phát triển và không đặt thêm các vấn đề mới trong thương lượng vượt quá khả năng của các nước đang phát triển, gây trở ngại cho sự hoàn chỉnh vòng đàm phán Đô-ha.

Bà Bình nhấn mạnh, Việt Nam cũng mong muốn các vấn đề hỗ trợ phát triển được phản ánh rõ trong chương trình hành động sau Hội nghị bộ trưởng của WTO tại Đô-ha, tạo điều kiện cho sự tham gia đầy đủ của các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại và xây dựng chính sách của WTO; đồng thời mong muốn vòng đàm phán sau thật sự phục vụ mục tiêu phát triển./.