Hợp tác Việt Nam - Interpol


Hà Nội (TTXVN 4/11/2002)

Đúng vào ngày này (4/11), mười một năm về trước, tại khóa họp lần thứ 61 Đại Hội đồng tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ở Urugoay, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức này.

Đến nay, Interpol đã có 180 quốc gia thành viên, kể cả Đông Timor và Afghanistan mới được kết nạp tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 71 ở Yaounde, Cameroon (10/2002).

Hiệu quả và thiết thực, đó là nhận xét chung của Việt Nam và Interpol khi đánh giá về mối quan hệ hợp tác song phương này trong hơn một thập kỷ qua. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, hợp tác giữa Việt Nam và Interpol đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của Việt Nam trong tình hình mới.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới trao đổi thông tin qua vệ tinh viễn thông với tất cả các nước thành viên khác của Interpol và đã trao đổi hơn hai vạn lượt thông tin liên quan đến tội phạm, bao gồm hơn một vạn lượt thông tin truy nã quốc tế và khủng bố quốc tế, gần 5 nghìn lượt thông tin về tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và các băng nhóm tội phạm, trên 5 nghìn lượt thông tin xác minh nhân thân đối tượng tiền án tiền sự. Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Văn phòng Interpol-Việt Nam với chức năng như một cơ quan tham mưu, một cầu nối thông tin, trực tiếp phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, bọn khủng bố quốc tế giữa cảnh sát Việt Nam với các quốc gia thành viên khác.

Trong công tác đấu tranh chống tội phạm quốc tế, nterpol-Việt Nam đã phối hợp truy tìm, bắt giữ hàng chục đối tượng nguy hiểm có lệnh truy nã quốc tế lẩn trốn vào Việt Nam ẩn náu để tiếp tục hoạt động, gây rối trật tự xã hội, làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh đầu tư, đe doạ an ninh quốc gia. Đặc biệt có những đối tượng truy nã bị cảnh sát Việt Nam bắt giữ đã trở thành đầu mối mở ra những chuyên án lớn, điển hình là trường hợp Bùi Hữu Tài, quốc tịch Mỹ, trong chuyên án chống ma tuý xuyên quốc gia năm 1998. Ngoài ra, nhiều tên trùm buôn lậu ma tuý ở Hồng Công, Đài Loan đã bị ngăn chặn ngay từ khi chúng có ý định móc nối, tổ chức đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia qua Việt Nam. Trần Hùng Sơn là kẻ cầm đầu trong vụ Mường Tè (Lai Châu) làm thất thoát hàng chục tỉ đồng của nhà nước. Sau khi phạm tội, y đã trốn sang Mỹ dưới danh nghĩa đi dự hội thảo quốc tế. Sau khi có lệnh truy nã quốc tế, Interpol Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bí mật theo dõi sát từng bước không để hắn trốn chạy. Do đó, Sơn đã buộc phải ra sân bay trở về Việt Nam ngay khi vừa kết thúc hội thảo. Hắn cũng không thể ngờ rằng khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc, y đã được mời vào phòng VIP để rồi đúng giờ hắn lại theo chân các hành khách khác lên phi cơ trở về Việt Nam. Đến lúc đó thì hắn đã có thể hiểu ra rằng điều gì đang chờ đợi ở phía trước. John Kevin Ruggio, quốc tịch Mỹ, là một tên tội phạm công nghệ cao, làm thẻ tín dụng giả để lấy tiền từ các nhà băng. Kevin đã cùng với David Trần, người Mỹ gốc Việt, vào thành phố Hồ Chí Minh dùng thẻ tín dụng giả rút 187.000 USD từ hệ thống ngân hàng rồi trở về Mỹ. Sau khi bắt khẩn cấp David Trần, Việt Nam đã khôn khéo bố trí y liên lạc với Kevin và nhử hắn vào Việt Nam. Đúng như kế hoạch đã định, Kevin đã trở lại hòng kiếm chác thêm ở Việt Nam vì y cho rằng thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao này còn xa lạ với các cơ quan điều tra nước này. Nhưng Kevin không thể ngờ rằng y lại bị bắt khi chưa kịp thực hiện mưu đồ lừa bịp lần thứ hai trên đất Việt. Việt Nam đã phối hợp với cơ quan điều tra Mỹ (FBI) dẫn độ Kevin về Mỹ chờ ngày xét xử.

Việt Nam còn phối hợp với Interpol bắt Nguyễn Ninh Kim phạm tội lừa đảo xuyên quốc gia từ Mỹ, Đài Loan, Campuchia đến Việt Nam cũng như bắt giữ Nguyễn Hải Nam, đối tượng trong băng nhóm tội phạm người Việt hoạt động ở các nước Đức, Cộng hòa Séc và Ba Lan.

Trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế, Việt Nam đã phối hợp với Interpol xác minh, phát hiện hàng trăm vụ lừa đảo có liên quan đến nước ngoài làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa và kịp thời thông tin cảnh báo giúp cho nhiều doanh nghiệp trong nước tránh được những thiệt hại không đáng có khi ký kết làm ăn với các đối tác nước ngoài, như ngăn chặn vụ lừa đảo ở khu chế xuất Hải Phòng do tên Peter Jiang Pisan, quốc tịch Mỹ tiến hành; vụ lập dự án ma 9,5 tỉ USD của tên Radak, quốc tịch Nam Tư ở Hải Phòng; hay vụ 16 nghìn tấn gạo của Tiền Giang bị nhóm tội phạm gốc Iran lừa bịp. Gần đây nhất là sự phối hợp với các lực lượng trong nước mở chuyên án đấu tranh với bọn tội phạm trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua cấu kết với các đối tác nước ngoài lập hồ sơ chứng từ giả để gian lận thuế hàng trăm tỷ đồng.

Trong mấy năm gần đây đã xuất hiện các hoạt động mang tính khủng bố của một số đối tượng phản động người Việt nhằm vào các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến địa bàn Philipin, Thái Lan, Mỹ và Guatemala. Điển hình và vụ Nguyễn Tấn Vinh, người Mỹ gốc Việt, dùng hộ chiếu mang tên Võ Văn Đức tiến hành đặt bom tại Sứ quán Việt Nam ở Philipin. Thông qua Interpol, Việt Nam đã cử một đoàn công tác sang Philipin để phối hợp với cảnh sát nước này bắt giữ Vinh (em của Đức, kẻ đã bị bắt sau khi đặt bom tại Sứ quán Việt Nam ở Thái Lan) trước khi chúng chuẩn bị gây án. Nguyễn Tấn Vinh đã khai nhận toàn bộ kế hoạch hoạt động mang tính khủng bố này do tên phản động người Việt sống lưu vong ở Mỹ Nguyễn Hữu Chánh vạch ra và chỉ huy. Vinh còn thú nhận rằng chúng đã sử dụng một loại bom tự tạo có điều khiển từ xa để phá hoại các cơ quan đại diện của Việt Nam. Interpol cũng thông báo cho Việt Nam về âm mưu và hoạt động mang tính khủng bố trong số những tên phản động người Việt sống lưu vong ở nước ngoài, trong đó có đối tượng Việt Trần, người Mỹ gốc Việt. Y đã lên chuyến bay số 940 của hãng Hàng không Mỹ American Airlines cất cánh tại sân bay Guatemala đe doạ và hành hung phi hành đoàn, yêu cầu lái máy bay bay về Việt Nam. Cảnh sát Mỹ đã kịp thời ngăn chặn hành động này và đề nghị Việt Nam phối hợp xác minh quan hệ của Việt Trần ở trong nước.

Sau sự kiện 11/9 và chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động, lưu lượng thông tin trao đổi và phối hợp đấu tranh chống tội phạm ngày càng nhiều. Trong năm 2002 , các vụ việc liên quan dến tội phạm kinh tế và hình sự quốc tế có giảm chút ít so với năm ngoái, nhưng các thông tin trao đổi và hoạt động phối hợp với Interpol liên quan đến tội phạm ma tuý, khủng bố và buôn bán người lại gia tăng đáng kể, riêng các hoạt động buôn bán ma tuý và chất gây nghiện tăng 130%.

Việt Nam còn phối hợp với văn phòng Interpol các nước đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, làm giả giấy tờ tuỳ thân để xin thị thực xuất cảnh đi du học, lao động ở các nước Đông Âu, Pháp, Australia, Canađa, Đài Loan và Hàn Quốc. Đáng chú ý là sự hợp tác giữa Việt Nam và Canada phá vụ án lừa đảo làm giả con dấu để lập 36 hồ sơ giả đưa người đi du học ở Canada do Vũ Thị Lệ Hằng và Nguyễn Văn Đạt chủ mưu.

Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các quốc gia thành viên khác của Interpol and Aseanapol trong đấu tranh với các loại tội phạm khác như rửa tiền, cướp biển, lừa đảo tài chính, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm trên mạng Internet./.