Việt Nam cam kết ủng hộ tăng cường các cơ quan trụ cột của LHQ
Hà Nội (TTXVN 1/11/2002)
Đại sứ Nguyễn Thành Châu, Đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục quá trình cải cách Liên hợp quốc và nêu rõ đoàn đại biểu Việt Nam cam kết ủng hộ hoàn toàn việc tăng cường các cơ quan trụ cột của Liên hợp quốc, đặc biệt là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).
Điều cam kết trên được đưa ra trong cuộc thảo luận Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 57 về đề mục "Tăng cường hệ thống Liên hợp quốc", trong đó tập trung góp ý kiến cho báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc mang tựa đề "Tăng cường Liên hợp quốc: một chương trình nghị sự về sự thay đổi hơn nữa".
Về Đại hội đồng, Việt Nam ủng hộ những biện pháp gần đây nhằm cải tiến phương pháp làm việc, như quyết định bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch Đại hội đồng, và các Ủy ban chính 3 tháng trước khi bắt đầu khóa họp thường kỳ của Đại hội đồng, hoặc cùng nhau tiến hành thảo luận các đề mục có liên quan đến nhau trong các phiên họp toàn thể và các cuộc họp của các Ủy ban chính.
Về Hội đồng Bảo an, Việt Nam hoàn toàn đồng ý với báo cáo cho rằng không thể hoàn thành cuộc cải cách Liên hợp quốc nếu không cải cách cơ quan này. Hội đồng Bảo an phải có trách nhiệm hơn đối với Đại hội đồng, có nhiều đại diện hơn để phản ánh thực thể ngày nay (bằng việc mở rộng cả các thành viên thường trực lẫn không thường trực) và các phương pháp làm việc dân chủ và minh bạch hơn.
Về công tác tổ chức công việc của Ban thư ký, Đại sứ Nguyễn Thành Châu ghi nhận các biện pháp do Tổng thư ký Liên hợp quốc đề ra trong báo cáo và nêu rõ Việt Nam tán thành quan điểm cho rằng cần khuyến khích và ủng hộ mọi cuộc cải cách theo hướng sắp xếp hợp lý hóa, loại bỏ tận gốc những dư thừa và chồng chéo với điều kiện không đòi hỏi cung cấp thêm tài chính.
Đại sứ tán thành quan điểm của Tổng thư ký về việc tăng cường năng lực của nhân viên và những đóng góp thiết thực của họ vào thắng lợi của Liên hợp quốc; hoan nghênh việc Tổng thư ký cam kết tuyển dụng các ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn từ các nước chưa có đại diện hoặc có ít đại diện vào làm việc tại các cơ quan của Liên hợp quốc và đề nghị phải có các biện pháp cụ thể để điều chỉnh lại cơ chế tuyển dụng không cân bằng hiện nay./.