Tự do tôn giáo ở Việt Nam
Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội gồm một hệ thống những quan điểm dựa trên cơ sở tin tưởng và sùng bái những lực lượng tự nhiên, thần thánh, cho rằng những lực lượng này quyết định số phận con người, con người phải phục tùng, tôn thờ. Tôn giáo còn là một hiện tượng xã hội, một thành tố văn hóa, một bộ phận của đời sống tinh thần con người. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo có ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán của nhiều dân tộc, quốc gia.
Cho đến nay, ở Việt Nam có nhiều hình thức tôn giáo từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây, nội sinh và ngoại nhập. Bên cạnh những tín ngưỡng dân tộc: thờ vua Hùng, thờ thành hoàng, thờ tổ tiên và các tôn giáo: Phật giáo (hơn 7,5 triệu tín đồ), Thiên Chúa giáo (hơn 6 triệu), Hồi giáo (hơn 10 vạn). Tín ngưỡng tôn giáo bản địa cũng như các tôn giáo ngoại nhập đều chung sống hòa bình với nhau, ít nhiều giao thoa, ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa Việt Nam, tuy có tranh chấp nhưng chưa bao giờ có xung đột, chiến tranh dưới lá cờ tôn giáo. Hòa hợp tôn giáo, tự do tôn giáo là một đặcđiểm có tính truyền thống của văn hóa Việt Nam.
******
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, điều 70 ghi rõ:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.”
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX nhấn mạnh tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đoàn kết đồng bào tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc; đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo.
Muốn xem xét một nước có tự do tôn giáo hay không, sau khi xem xét những quyền tự do tôn giáo đã được ghi rõ trong Hiến pháp, luật lệ, chính sách, người ta còn căn cứ vào 3 tiêu chuẩn: một là việc đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo – đây là những người lãnh đạo, hướng dẫn tôn giáo; Hai là việc phổ biến kinh sách tôn giáo; Ba là việc xây dựng cơ sở thờ tự (nhà thờ, chùa, thánh thất, thánh đường…) Ở Việt Nam ngày nay, 3 tiêu chuẩn này ra sao?
Năm 1975, số lượng nhà tu hành Phật giáo gồm 15.000 tăng ni, hiện nay là 33.066 người, trong đó có hàng trăm vị có bằng tiến sỹ, thạc sỹ, hàng ngàn vị tốt nghiệp Đại học Phật giáo. Về Thiên Chúa giáo, trong 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, Vatican chỉ bổ nhiệm được 4 giám mục người Việt Nam. Trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), Vatican bổ nhiệm trên cả hai miền Nam, Bắc 42 giám mục, trong khi số giám mục được bổ nhiệm từ năm 1975 đến nay là 33. Số linh mục được phong trước năm 1975 là 1.178, từ năm 1975 đến nay là 1.222, như vậy toàn bộ số linh mục tại Việt Nam hiện nay là 2.400 (2.025 triều và 375 dòng). Chính phủ Việt Nam và Vatican đã có thỏa thuận (concordat) 3 điểm: không công kích nói xấu lẫn nhau, không ủng hộ một nhóm thứ ba nào để chống bên kia, khi Vatican muốn bổ nhiệm từ giám mục, giám quản trở nên thì phải hỏi ý kiến Chính phủ Việt Nam đồng ý thì Vatican mới ra quyết định. Hình thức thỏa thuận là một hình thức phổ biến trong quan hệ của Vatican với các nước trên thế giới.
Số lượng kinh sách được xuất bản ở Việt Nam rất lớn: chỉ trong hai năm 2000-2001, riêng Nhà xuất bản Tôn giáo đã cho ra 400 đầu sách tôn giáo với hàng chục vạn bản và đã được giới thiệu ở Hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh năm 2002.
Trong cả nước Việt Nam có tới 21.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo lớn (14.000 nơi thờ tự của Phật giáo, 5.399 nhà nguyện của Thiên Chúa giáo, 440 nhà thờ Tin lành, 500 thánh thất Cao Đài…) chưa kể hàng vạn cơ sở thờ tự của các tín ngưỡng, tâm linh khác. Cơ sở thờ tự được phép xây dựng khang trang quy mô, có bảo đảm cho những buổi lễ hội đông đến hàng chục vạn người như lễ hội La Vang.
******
Bức tranh tôn giáo ở Việt Nam thật sáng sủa, vậy những kẻ xuyên tạc, bôi nhọ, thực chất họ có âm mưu chính trị gì? Có thể nói gọn rằng, họ muốn lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng quần chúng chống lại chính phủ, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân.
Bước đi của họ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng khi cần cũng hành động rất trắng trợn công khai. Trước hết, họ tìm cách thoát khỏi sự quản lý của pháp luật hiện hành, của Nhà nước như không xin phép hoạt động, hoặc xin ít làm nhiều trên các lĩnh vực: xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, tuyên truyền xuất bản, đào tạo huấn luyện, quan hệ với nước ngoài… Tiến lên một bước nữa, họ xây dựng những tổ chức bất hợp pháp. Bất cứ tổ chức tôn giáo nào thật sự hoạt động vì mục đích tôn giáo đều được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Nhưng Chính phủ không bao giờ công nhận những tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo hoạt động vì mục đích khác nhằm phá hoại độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia, mê tín dị đoan, xâm phạm đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, tài sản, sức khỏe của nhân dân. Chẳng hạn, tổ chức “Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo” trước năm 1975 không thể được xem là tôn giáo vì trong tổ chức này có cả một đảng chính trị (Đảng Dân xã Hòa Hảo) với một lực lượng vũ trang 30.000 quân chính quy và 300.000 lính dân vệ bảo an. Bước chống phá quyết liệt nhất là họ công khai tổ chức tôn giáo như là linh hồn của hoạt động chính trị nhằm bạo loạn lật đổ, chia rẽ, ly khai. “Hội thánh Tin lành Đề Ga”, một tổ chức được lập ra trên đất Mỹ là linh hồn, là cốt lõi của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập”, từ mấy năm nay đã tỏ rõ bản chất phản động của nó trên vùng Tây Nguyên. Những tên chủ chốt lãnh đạo các cấp của “Nhà nước Đề Ga độc lập” đều giữ các chức sắc tương ứng của “Hội thánh Tin lành Đề Ga”. Những ý đồ tách Phật giáo Nam Tông của đồng bào dân tộc Khơme Nam Bộ ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam gắn liền với hoạt động của bọn phản động bên ngoài với cái gọi là “Nhà nước Khơme Crôm”.
Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý đến vai trò và sự liên kết của các lực lượng phản động quốc tế dùng chiêu bài “tự do tôn giáo” để chống phá chủ nghĩa xã hội, chống phá Nhà nước ta. Khi vào Việt Nam, họ phát tán tài liệu và truyền đạo trái phép, kể cả dùng biện pháp mua chuộc bằng vật chất, họ kích động chia rẽ các tôn giáo, móc nối với các phần tử đội lốt tôn giáo đã có nhiều hành vi trái pháp luật. Khi ở nước ngoài, họ liên kết để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hỗ trợ cho các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của chúng ta.
Xuất phát từ bản chất văn hóa của dân tộc, từ chính sách đại đoàn kết toàn dân, chúng ta đã có những chính sách đúng đắn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Giờ đây, trong hoàn cảnh mới của yêu cầu phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta sẽ tổng kết tình hình và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, làm thất bại hoàn toàn mọi âm mưu đen tối của các thế lực phản động.