Việt Nam cam kết phấn đấu "vì sự phát triển của miền núi"
Hà Nội (TTXVN 16/10)
"Chính phủ Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế "phấn đấu vì sự phát triển bền vững của miền núi", dành sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thích đáng thông qua những chương trình, chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa cho công cuộc phát triển miền núi", Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định như vậy trong bài phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng năm quốc tế về miền núi, tổ chức tại Hà Nội ngày 16/10.
Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng, chính phủ Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Liên Hợp quốc đã khởi xướng Năm Quốc tế về miền núi 2002 vì mục tiêu giữ gìn sự ổn định, phát triển bền vững vùng miền núi trên toàn thế giới.
Về vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi Việt Nam, Thủ tướng nói: "Miền núi Việt Nam nằm trên một không gian địa lý rộng lớn từ Bắc đến Nam, chiếm 3/4 diện tích cả nước, là nơi tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi sinh sống của hơn 23 triệu người trong cộng đồng 80 triệu dân Việt Nam. Đây là địa bàn có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và an ninh của đất nước. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, với tinh thần cần cù, sáng tạo và ý chí tự chủ, các dân tộc sinh sống ở miền núi đã tạo nên sự đa dạng về bản sắc, bắt nguồn từ truyền thống văn hóa phong phú của mỗi vùng, mỗi dân tộc. Nhà nước Việt Nam xác định phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển đất nước, phát huy tiềm năng của miền núi là vì lợi ích trực tiếp của nhân dân miền núi, góp phần đáp ứng lợi ích chung của cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi; đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của nhân dân các dân tộc ở miền núi từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới, số hộ đói nghèo ở miền núi giảm xuống còn 26%, 93% số xã miền núi có trạm y tế, 100% số xã có trường tiểu học, 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 50,7% hộ dân dùng điện. Đảng và Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc ở miền núi, sự hỗ trợ tích cực của đồng bào cả nước và sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, miền núi Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn trong quá trình phát triển, do sức ép về dân số tài nguyên không được khai thác và sử dụng hợp lý đã tác động xấu đến môi trường, thời tiết diễn biến không thuận làm cho tài nguyên rừng, đất và nước bị suy kiệt nhanh. Do điều kiện lịch sử, miền núi mang nhiều tính tự nhiên về kinh tế và văn hóa, trình độ phát triển thấp hơn miền xuôi lại chậm thích ứng với các yếu tố thị trường; khoảng cách giàu - nghèo giữa miền núi và miền xuôi cũng như giữa các vùng thuộc miền núi đang có xu hướng rộng thêm.
Từ thực tế trên đây, việc phát huy khả năng hội nhập phát triển của miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững của cả nước.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của cả nước thời kỳ 2001 - 2010 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ 9 Đảng cộng sản Việt Nam năm 2001, nhiệm vụ phát triển miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi Nhà nước và xã hội dành nguồn lực thích đáng cho việc giải quyết những nhu cầu cấp bách, đặc biệt là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các vùng còn kém phát triển như vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước tiến nhanh hơn, dần dần giảm bớt chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển giữa các vùng, từng bước nâng cao vị thế của miền núi.
Sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi đi liền với quá trình chuyển dần nền kinh tế tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa, thông qua đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, điều chỉnh hợp lý cơ cấu kinh tế, bảo vệ và cải thiện môi trường thiên nhiên, bảo vệ các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học. Để miền núi phát triển bền vững cần kết hợp chặt chẽ phát triển sản xuất với cải thiện đời sống của các dân tộc ở miền núi, trước tiên là bảo đảm an toàn lương thực, giảm đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu về giáo dục, y tế và các vấn đề an sinh khác nhằm phát triển toàn diện con người.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc phát triển miền núi, tạo cơ sở vững chắc bảo đảm sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp to lớn đó đòi hỏi nhân dân các dân tộc miền núi cùng với đồng bào cả nước kết hợp hài hòa các lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia, tiến tới xóa bỏ sự mất cân đối về trình độ phát triển giữa các nhóm dân tộc và giữa các vùng. Để đáp ứng các yêu cầu này các ngành, các cấp, quản lý của nhà nước phải tăng cường sự phối hợp nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề khó khăn của miền núi.
Chính phủ Việt Nam kêu gọi nhân dân cả nước, trước hết là nhân dân các dân tộc sống ở miền núi, nỗ lực phát huy tiềm năng dồi dào và những giá trị to lớn của miền núi, và mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp phát triển bền vững miền núi Việt Nam trên tinh thần "bình đẳng, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển"./.