TBT Nông Đức Mạnh kết thúc chuyến thăm Nga và Bê-la-rút

Hà Nội (TTXVN 16/10/2002)

Vào lúc kết thúc hai chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, được sự ủy quyền của Tổng Bí thư, ông Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên chuyên trách về kết quả của hai chuyến thăm.

Ông Vũ Khoan nêu rõ: "Có thể nói rằng cả hai chuyến thăm đều đã kết thúc rất thành công. Điều đó được thể hiện trên nhiều mặt.
Trước hết, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus là những nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Qua hai chuyến thăm chính thức lần này, truyền thống đó đã được thể hiện rất rõ nét. Có thể cảm thấy điều này qua tình cảm sâu nặng của tất cả các nhà lãnh đạo, các giới, các đảng phái, các tầng lớp nhân dân hai nước Nga và Belarus đối với Việt Nam. Đây là tiềm năng về tình cảm, tiềm năng về tinh thần của nhân dân hai nước này đối với chúng ta còn rất lớn.

Thứ hai, bên cạnh tình cảm hữu nghị truyền thống, cả Nga và Belarus đều đánh giá rất cao vị trí của Việt Nam, những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Bạn đặc biệt đánh giá cao kinh nghiệm của chúng ta trong việc vừa đổi mới về kinh tế, lại vừa giữ vững được ổn định về chính trị và xã hội làm nền tảng cho sự phát triển. Đồng thời, cả hai nước đều đánh giá cao vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó cả hai nước đều coi việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đây chính là tiềm năng về lợi ích.

Thứ ba, đó là tiềm năng về vật chất. Có thể nói cả hai nước Nga và Belarus đều rất quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học-kỹ thuật với Việt Nam. Kim ngạch trao đổi buôn bán của Liên bang Nga với Việt Nam 2 năm gần đây tăng rất nhanh, với tốc độ 40-50% / năm, đạt mức khỏang 700-800 triệu USD. Với Belarus thì mức độ còn thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng đáng kể.

Có điều tốt trong hai chuyến thăm lần này là các nhà lãnh đạo Nga, Belarus và Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thảo luận những vấn đề chung, mà còn đi sâu thảo luận những vấn đề rất cụ thể: Làm thế nào để tăng kim ngạch trao đổi buôn bán, làm thế nào để mở rộng sản xuất ở những doanh nghiệp liên doanh, làm thế nào để mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật, làm thế nào để tăng cường giúp Việt Nam đào tạo cán bộ?

Phải nói rằng trong hai chuyến thăm lần này cũng đã đạt được những thỏa thuận rất cụ thể. Ví dụ, với Liên bang Nga đã đạt được thỏa thuận về việc bạn sẽ dành cho chúng ta khỏan tín dụng trị giá khoảng 100 triệu USD để xây dựng hai nhà máy điện. Với Belarus cũng đã đạt được thỏa thuận về việc cùng nhau hợp tác sản xuất máy kéo, sản xuất xe vận tải hạng nặng dành cho công nghiệp khai thác mỏ.

Những ví dụ trên cho thấy bên cạnh tiềm năng về tinh thần, bên cạnh tiềm năng về lợi ích chính trị, giữa chúng ta và hai nước Nga, Belarus còn có tiềm năng rất lớn về hợp tác trên các lĩnh vực thương mại-kinh tế, khoa học-công nghệ và đào tạo. Trên tất cả các mặt, hai chuyến đi lần này đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Cuối cùng, một điều rất quan trọng trong lĩnh vực chính trị là lập trường của chúng ta và của các bạn Nga cũng như các bạn Belarus trên các vấn đề quốc tế có rất nhiều điểm thống nhất với nhau, hoặc là song trùng nhau. Đó là lập trường về việc xây dựng một trật tự chính trị và kinh tế thế giới công bằng, dân chủ, một thế giới mà trong đó những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc được tôn trọng, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước được tôn trọng. Dù là lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, các nước đều là những thực thể trong nền chính trị thế giới và cần phải tôn trọng lẫn nhau.

Đó là bốn điều mà, theo tôi, chúng ta có thể thu nhận được qua hai chuyến thăm lần này. Bốn điều đó là rất cơ bản, tạo động lực mới cho quan hệ của chúng ta với Nga (là quan hệ đối tác chiến lược), và cho quan hệ của chúng ta với Belarus (là quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau), để các nước này cùng chúng ta bước vào thế kỷ mới."

Đề cập vấn đề người Việt ở Moscow, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: " Đây là mối quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ ta. Đáng ra những việc như thế này chỉ được đưa ra bàn bạc và giải quyết ở cấp chuyên viên thôi. Nhưng để bày tỏ mối quan tâm đến đồng bào ta, bà con ta, cộng đồng ta, Tổng Bí thư đã đề cập đến vấn đề này trong tất cả các buổi làm việc với phía Nga, kể cả trong buổi làm việc với Thị trưởng Moscow Yu.Luzhkov.

Phía bạn đánh giá cao đức tính cần cù chịu khó của cộng đồng người Việt, đồng thời khẳng định rằng không hề có chuyện phân biệt đối xử đối với người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Moscow. Những chính sách mà bạn áp dụng đối với cộng đồng Việt Nam tại Moscow cũng là những chính sách mà bạn áp dụng đối với tất cả những người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống tại Moscow, không phân biệt đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc, hay người Thổ Nhĩ Kỳ, người Azerbaijan... Mặt khác, phía bạn cũng có hai đề nghị, hai mối quan tâm.

Thứ nhất là bà con ta phải tôn trọng tất cả những quy định về luật pháp của bạn. Chẳng hạn như quy định về đăng ký hộ khẩu, đăng ký kinh doanh. Tất cả những điều này cần phải được thực hiện rất nghiêm chỉnh.

Thứ hai là vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền. Đây là đòi hỏi không chỉ đối với người Việt Nam, mà qua theo dõi tin tức, có thể thấy đòi hỏi này được áp dụng ngay cả đối với chính người Nga. Bạn đang chấn chỉnh lại vấn đề bản quyền. Đây chính là vấn đề mà chúng ta quen nói là "chống hàng giả, hàng nhái". Bạn cho biết, chính bạn cũng đang phải chịu những sức ép về vấn đề này trong quá trình gia nhập WTO (bạn đang trong tiến trình đàm phán để gia nhập WTO). Còn có những sức ép khác nữa từ phía EU. Vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền là một trong những điều kiện mà các nước đối tác đặt ra đối với Nga.

Tóm lại, để cộng đồng người Việt có thể sinh sống ổn định và làm ăn lâu dài ở Moscow, thì từ cả hai phía đều cần phải có những biện pháp chấn chỉnh. Ta và bạn cần tiếp tục hợp tác để giải quyết những vấn đề tồn tại. Mặt khác, các cơ quan hữu trách của ta cũng cần tăng cường công tác giáo dục cộng đồng"./.