BT NG Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn TTX VN tại New York
Hà Nội(TTXVN 21/9/2002)
Nhân khoá họp 57 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tẫn xã Việt Nam tại New York, sau khi kết thúc thành công các hoạt động quan trọng tại Liên hợp quốc (LHQ).
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Câu hỏi 1: Trước hết, xin Bộ trưởng cho biết một vài nét về bối cảnh tình hình quốc tế và tình hình LHQ liên quan đến Khoá họp 57 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay?
Trả lời: Khóa họp năm nay diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Sự kiện 11/9 xảy ra tại Mỹ một năm trước đây đã tác động rất lớn tới tình hình an ninh quốc tế. Chống khủng bố nay đã trở thành ưu tiên hàng đầu, không chỉ của nước Mỹ mà của cộng đồng quốc tế nói chung. Bên cạnh đó, các nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức có tính toàn cầu như nạn nghèo đói, suy thoái môi trường, ma tuý, đại dịch HIV/AIDS, tội phạm xuyên quốc gia... hiện có xu hướng gia tăng ở nhiều khu vực. Đáng chú ý, trong năm qua các cuộc xung đột gia tăng ở một số nước, đặc biệt là ở Trung Đông, tình hình căng thẳng ở Nam Á... đã làm cho tình hình chính trị an ninh thế giới càng thêm căng thẳng và mất ổn định hơn.
Một năm qua kể từ khi xảy ra sự kiện 11/9, LHQ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức và khó khăn. Trong khi phải đương đầu với các mối lo thường xuyên trong những năm gần đây như thúc đẩy cải tổ bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể đóng góp tốt hơn vào việc xử lý các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào việc giảm căng thẳng ở một số khu vực, thúc đẩy các hoạt động phát triển trong khi nguồn lực có hạn, LHQ nay phải đối phó với một vấn đề lớn đó là việc xử lý cuộc chiến chống khủng bố như thế nào cho phù hợp, đảm bảo lợi ích của mọi quốc gia và không làm tổn hại tới Hiến chương của chính mình.
Tình hình trên sẽ có những tác động trực tiếp tới nội dung, ưu tiên thảo luận của các nước tại Khoá họp năm nay.
Câu hỏi 2: Với những tác động rất lớn của sự kiện 11/9 đối với tình hình quốc tế, xin Bộ trưởng cho biết chủ đề chống khủng bố được đề cập như thế nào tại Khoá họp và lập trường của các nước về vấn đề này?
Trả lời: Vấn đề khủng bố là chủ đề nổi bật tại Khoá họp 57 này của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều đáng chú ý, là phần đầu của Khoá họp đã được bắt đầu bằng việc LHQ phối hợp với nước chủ nhà tổ chức lễ tưởng niệm nhân một năm xảy ra sự kiện 11/9 tại địa điểm ngay sát nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Quốc tế.
Trong hai tuần thảo luận cấp cao vừa qua, hầu hết phát biểu của các trưởng đoàn đều đề cập đến chủ đề chống khủng bố. Điều dễ thấy là các nước đều nhất trí cho rằng khủng bố quốc tế đã trở thành mối đe dọa hàng đầu, thường xuyên và lâu dài đối với an ninh của mọi dân tộc và việc xử lý vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của mọi quốc gia. Rất nhiều nước nhấn mạnh nỗ lực chống khủng bố phải mang tính tập thể theo khuôn khổ của LHQ.
Vấn đề Iraq được nhiều nước đề cập. Nhìn chung đông đảo các nước đều bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh ở I-rắc, muốn Iraq và LHQ sớm thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp chính trị thông qua LHQ. Sau đó, việc Iraq chấp nhận vô điều kiện cho các thanh sát viên của LHQ quay lại Iraq đã làm giảm không khí căng thẳng, nhiều nước hy vọng điều này có thể tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp hoà bình, tránh hành động quân sự.
Trong phần tham luận cùng Trưởng đoàn các nước tại Đại hội đồng cũng như trong cuộc họp Ngoại trưởng Phong trào Không liên kết (NAM) và cuộc họp Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhân khoá họp này, tôi đã nhấn mạnh việc Việt Nam ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, khẳng định việc Việt Nam không chấp nhận bất cứ những mưu toan nào mượn danh chống khủng bố để thực hiện chính sách cường quyền, sử dụng vũ lực, can thiệp vào công việc nội bộ và xâm phạm chủ quyền quốc gia của các nước. Liên quan đến vấn đề Iraq, một vấn đề nổi bật tại khoá họp này, quan điểm của Việt Nam đã được thể hiện rõ là chúng ta hoan nghênh thiện chí của Iraq, mong muốn vấn đề này được giải quyết bằng các giải pháp chính trị thông qua LHQ, mọi hành động quân sự sẽ tác động nghiêm trọng tới tình hình Trung Đông và tình hình quốc tế nói chung vốn đã rất căng thẳng hiện nay.
Câu hỏi 3: Xin Bộ trưởng cho biết những chủ đề nổi bật khác của khoá họp là gì?
Trả lời: Bên cạnh vấn đề khủng bố và vấn đề Iraq, vấn đề phát triển, đặc biệt là cách thức đẩy nhanh tốc độ thực hiện các mục tiêu phát triển của Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của LHQ (tháng 9/2000) được các nước tiếp tục quan tâm đề cập nhiều trước thực tế đau lòng là khoảng 3 tỷ người, chiếm gần nửa dân số thế giới - mà đa phần là thuộc các nước đang phát triển- hiện đang sống với mức thu nhập không quá 2 USD/ngày.
Điều đáng ghi nhận là tại khoá họp này các nước đã họp một phiên toàn thể cấp cao nhằm bàn về cách thức thực hiện Sáng kiến Hợp tác mới vì sự Phát triển châu Phi (NEPAD), trong đó nhiều nước phát triển đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình cho NEPAD thông qua các chương trình hợp tác phát triển song phương và đa phương, như Canađa tuyên bố dành 6 tỷ USD trong chương trình ODA của mình cho các nước đang phát triển, Pháp sẽ tăng 50% ODA của mình trong 5 năm tới, Cộng hoà Ailen cam kết tăng tỉ lệ ODA lên 0,8% trong thu nhập Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của mình vào năm 2007. Có thể xem đây là những nỗ lực đáng khích lệ thể hiện sự quan tâm của các nước đối với vấn đề phát triển- mối lo chung không chỉ của các nước nghèo trong thế giới lệ thuộc lẫn nhau ngày nay - tiếp theo một loạt các hội nghị về phát triển gần đây như Hội nghị về Tài chính cho Phát triển tại Môn-tơ-rây tháng 3/2002, Hội nghị Phát triển Bền vững tại Johanesburg đầu tháng 9/2002 vừa qua.
Ngoài ra, các vấn đề có tính toàn cầu cấp bách khác như hợp tác bảo vệ môi trường trong đó có Nghị định thư Kyoto, chống bệnh dịch AIDS, thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, cải tổ LHQ cũng được các nước quan tâm thảo luận.
Câu hỏi 4: Năm nay, nước ta được bầu là một trong các Phó Chủ tịch của khoá họp. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về hoạt động này?
Trả lời: Việc Việt Nam được bầu vào vị trí quan trọng này cho thấy LHQ và các nước bạn bè đánh giá cao uy tín và vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng, tôi đã tham gia chủ trì một số phiên thảo luận cấp cao của các nước ngay trong những ngày đầu của khoá họp; đồng thời cùng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch khác của khoá họp xử lý các vấn đề về nội dung nổi bật tại khoá họp năm nay trong đó có vấn đề khủng bố, vấn đề Iraq như đã đề cập trên đây, đóng góp vào việc duy trì thảo luận các đề mục thuộc ưu tiên của ta và nhiều nước thành viên khác như về phát triển, an ninh giải trừ quân bị, Trung Đông, Palestine.'
Được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng là một vinh dự nhưng đây cũng là một trọng trách của Việt Nam vì hoạt động trên cương vị này không chỉ tập trung vào những ngày họp cấp cao vừa qua mà còn kéo dài từ nay đến hết Khoá họp (dự kiến kết thúc vào đầu tháng 9/2003). Trên cương vị này, đoàn Việt Nam cần tiếp tục tham gia đóng góp vào các hoạt động chung của LHQ, đồng thời tận dụng cơ hội này để làm cho LHQ và các nước hiểu thêm về chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta theo tinh thần của Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ IX. Những hoạt động này cùng với việc Việt Nam đang là thành viên của Uỷ ban Nhân quyền của LHQ sẽ tạo thuận lợi cho việc Việt Nam tham gia ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.
Câu hỏi 5: Trong thời gian ở New York, Bộ trưởng cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc tay đôi, tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Phong trào Không Liên Kết và Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về các hoạt động này?
Trả lời: Tôi đã dự và phát biểu tại phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng LHQ, Hội nghị Ngoại trưởng NAM và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Đoàn ta đã đóng góp tích cực vào các hoạt động chung trong đó có việc tham gia chuẩn bị về nội dung và các khâu chuẩn bị khác cho Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới (tháng 11/2002 tại Campuchia) và Hội nghị Cấp cao NAM tại Malaysia (20-25/2/2003).
Mặc dù thời gian eo hẹp, tôi đã tranh thủ có các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng khoá 57 và Ngoại trưởng nhiều nước trong đó có Cuba, Pháp, Pakistan, Angola, Angiêria, Cata, Luxembur, Papua New Ghinê, Butan, Azecbaizan, Iraq và Croatia. Điểm nổi bật tại các cuộc tiếp xúc này là các nước đều tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Việt Nam trong đó có lĩnh vực kinh tế đầu tư, thương mại; đánh giá cao chính sách đổi mới, hội nhập quốc tế và khu vực của Đảng và Nhà nước ta hiện ngày càng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Có thể nói trong thời gian ngắn đoàn ta đã triển khai được nhiều hoạt động, tích cực đề cao quan điểm của Việt Nam đồng thời có đóng góp vào công việc chung của Khoá họp, được các nước đánh giá cao. Triển khai chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Nhưng tôi tin rằng các hoạt động ngoại giao đa phương của ta tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả to lớn hơn, góp phần đề cao uy tín của nước ta - một nước có dân số không nhỏ và vị thế ngày càng nâng cao - trên trường quốc tế./.