Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ thăm Châu Âu
Hà Nội (TTXVN 14/9/2002)
Bộ Ngoại giao ra thông cáo cho biết, từ 20 đến 27/9 Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ tư (ASEM IV) tại Copenhagen, Đan Mạch; thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Iceland, Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Bỉ, Ủy ban Châu Âu (EC) theo lời mời của Thủ tướng các nước này và của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.
Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11/1990. Tháng 7/1995, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác, có hiệu lực từ ngày 1/6/1996. Hiệp định này đã tạo nhiều thuận lợi cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký nhiều hiệp định riêng rẽ, mở rộng biên độ cota cho hàng dệt, may của Việt Nam xuất sang thị trường EU.
EU là một đối tác quan trọng của Việt Nam. Việt Nam và EU hợp tác trên hai lĩnh vực chính là kinh tế và phát triển. Nhiều dự án của EU cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại. Hai bên còn thường xuyên trao đổi các phái đoàn cấp cao, nổi bật là các chuyến thăm EU của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1995, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1998 và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000. Việt Nam và EU đã cam kết tiếp tục tăng cường và phát triển về chiều sâu mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. EU cam kết ủng hộ quá trình đổi mới của Việt Nam trong công cuộc cải cách, đổi mới hệ thống thương mại, thuế quan, hệ thống ngân hàng tài chính... và xem xét thuận lợi việc công nhận Việt Nam có cơ chế kinh tế thị trường.
Trong khuôn khổ hợp tác Á-Âu, Việt Nam đang tham gia một số chương trình như chương trình hành động về thuận lợi hóa thương mại Á-Âu (TFAP), dự án năng lượng sinh học... Chương trình Asia-Invest (đầu tư vào châu Á) của EU đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu và Việt Nam xây dựng các mối quan hệ đối tác. Năm 2000, tổng số ODA được giải ngân của Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU cho Việt Nam lên đến 246 triệu Euro, chiếm gần 20% tổng số ODA trong năm này, đưa EU trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở Việt Nam. Tính đến năm 2000, tổng số dự án mà EC- cơ quan chấp hành của EU - cam kết tài trợ cho Việt Nam đã lên đến 238,6 triệu ơ-rô, chiếm 9,24% tổngsố cam kết trị giá 2.580,6 triệu Euro của EU.
EC đã thông qua đề án chiến lược 5 năm về viện trợ tài chính cho Việt Nam (2002-2006). Đây sẽ là cơ sở cho chương trình viện trợ của EU đối với Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và đẩy nhanh chương trình xóa nghèo ở Việt Nam một cách bền vững. Hai lĩnh vực được nhấn mạnh trong chiến lược 5 năm nói trên bao gồm Tăng cường phát triển con người và Sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Trong khuôn khổ chiến lược này, EC sẽ dành 101 triệu Euro tài trợ cho các dự án trong 3 năm 2002-2004.
Về thương mại, chính sách của EU đối với Việt Nam nằm trong khuôn khổ chính sách thương mại chung của EU với ASEAN và các nước đang phát triển. Buôn bán hai chiều giữa EU và Việt Nam không ngừng phát triển: Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU trị giá 4,4 tỷ Euro và EU xuất sang Việt Nam gần 1,8 tỷ Euro hàng hóa. Theo dự tính của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), xuất khẩu của Việt Nam năm 2002 sang thị trường EU có thể tăng 15% so với năm 2001. Những nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm giày dép, dệt may, nông sản-rau quả, thủy sản và thủ công mỹ nghệ.
EU là một thị trường rộng lớn, nhu cầu nhập khẩu nhiều và da dạng. Để đẩy mạnh và tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, ngoài những biện pháp và chính sách cấp nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là đối với hàng dệt may, giày dép, nông sản, thủ công mỹ nghệ và hàng công nghiệp nhẹ./.