Giáo dục cho dân tộc miền núi
Hà Nội (TTXVN 1/9/2002)
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8 về giáo dục và khoa học-công nghệ, năm học 2001-2002, cả nước có trên 2.526.500 học sinh của các dân tộc ít người tăng gần 780.000 học sinh so với năm học 1996-1997, chiếm 14,1% tổng số học sinh phổ thông các cấp trong toàn quốc.
10 năm qua, Chương trình mục tiêu dành cho giáo dục dân tộc miền núi đã xây dựng được một hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú với số trường tăng hơn 4 lần so với năm 1995. Hiện nay, cả nước đã có 243 trường phổ thông dân tộc nội trú từ huyện đến trung ương và 519 trường bán trú cụm xã với tổng quy mô trên 60.000 học sinh. Ở 22 tỉnh, 81 huyện miền núi đã có 352 trường nội trú dân nuôi cấp xã với 864 lớp và 28.637 học sinh.
Các lớp tiểu học đã được mở tận thôn bản, không còn thôn bản nào không có lớp tiểu học. Do tổ chức tốt mạng lưới trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 6-14 tuổi đến lớn tăng nhanh, nhất là ở Hà Giang, Lao Cai. Số lượng học sinh dân tộc thiểu số học trong các trường phổ thông ngày càng nhiều. Học sinh dân tộc thiểu số học trung học cơ sở tăng khá nhanh, tuy nhiên còn chưa đều ở các tỉnh.
Chất lượng của công tác giáo dục cho người dân tộc ít người và ở miền núi 5 năm qua cũng có nhiều tiến bộ. Việc dạy tiếng và chữ dân tộc thiểu số với 8 thứ tiếng và chữ dân tộc (Mông, Thái, Chăm, Khmer, Bahnar, Jrai, Êđê, Hoa,) ở vùng dân tộc miền núi đã vừa đảm bảo mục tiêu đào tạo, chất lượng dạy học, vừa góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện đã có 25 tỉnh, 144 huyện với 1293 trường, 2972 lớp và trên 95.000 học sinh được học quốc ngữ song song với tiếng dân tộc.
Không chỉ giáo dục phổ thông cho người dân tộc và miền núi, việc đào tạo cán bộ có trình độ cao cho dân tộc ít người cũng được quan tâm đặc biệt. Mỗi năm đã có 1000 học sinh dân tộc ít người và miền núi được cử tuyển học từ trung học chuyên nghiệp đến đại học. Nhà nước đã mở riêng lớp cho học sinh dân tộc thiểu số ở trong các trường đại học và mở 3 trường dự bị đại học ở 3 miền Bắc Trung Nam. Bên cạnh đại học Thái Nguyên, đại học Tây Nguyên, Nhà nước đã thành lập thêm đại học Tây Bắc để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc ít người học lên trình độ cao. Nhiều địa phương đã hỗ trợ thêm cho mỗi học sinh theo chế độ cử tuyển từ 1-3 triệu đồng/năm để giúp các em đảm bảo sinh hoạt.
Hiện nay, cả nước có hàng trăm người dân tộc thiểu số có trình độ trên đại học, hơn 10.000 người có trình độ đại học, 72.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp và hơn 60.000 công nhân kỹ thuật.
Tuy nhiên, lực lượng cán bộ các dân tộc thiểu số vừa yếu vừa thiếu và đến nay vẫn cón 10 dân tộc chưa có người học đại học và công nhân kỹ thuật, 5 dân tộc chưa có người học trung học chuyên nghiệp và 40 dân tộc chưa có người học trên đại học./.