Standard&Poor's về hệ số tín nhiệm quốc gia với Việt Nam
Ngày 30/5/2002, phóng viên Reuters hỏi: Đề nghị cho biết bình luận của Bộ Tài chính về việc Standard & Poor's đưa ra hệ số tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam và xin cho biết điều này sẽ có ảnh hưởng gì đối với kế hoạch phát hành trái phiếu ra nước ngoài của Việt Nam? Với việc Standard & Poor's đưa ra hệ số tín nhiệm này, Bộ Tài chính có dự định tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay không?
Trả lời:
Việt Nam lần đầu tiên chính thức mời cả 3 công ty đánh giá hệ số tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch, Standard & Poor's và Moody's vào Việt Nam để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia trong thời gian qua. Theo tin từ Bộ Tài chính, Standard & Poor's (S&P) đã quyết định giành cho Việt Nam hệ số tín nhiệm quốc gia đối với các khoản nợ dài hạn bằng ngoại tệ ở mức BB- và hệ số tín nhiệm đối với các khoản nợ dài hạn bằng nội tệ ở mức BB. Triển vọng hệ số tín nhiệm của Việt Nam là ổn định. Kết quả hệ số tín nhiệm quốc gia này của S&P có ý nghĩa đặc biệt do đây là lần đầu tiên S&P đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam. Cho tới nay chỉ có Moody's đánh giá Việt Nam ở mức B1, thấp hơn một bậc so với hệ số tín nhiệm của S&P mới đưa ra. Moody's giữ mức hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức B1 trong 4 năm qua và mới chuyển mức triển vọng hệ số tín nhiệm B1 của Việt Nam từ "tiêu cực" sang "ổn định" vào tháng 4 năm 2001.
Theo Bộ Tài chính, kết quả đánh giá hệ số tín nhiệm vừa được S&P công bố là một thành công quan trọng của Việt Nam và đây chính là bằng chứng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong quá trình đổi mới, mở cửa, tăng cường tính công khai minh bạch của nền kinh tế và hội nhập đầy đủ vào cộng đồng tài chính quốc tế và với hệ số tín nhiệm này sẽ tiếp tục củng cố được lòng tin cho các nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong số các nước ASEAN có hệ số tín nhiệm của S&P. Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Suisse First Boston (CSFB) đã tư vấn cho Việt Nam trong quá trình làm việc với các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm trong thời gian qua.
Trong báo cáo đánh giá của mình, S&P đánh giá cao triển vọng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có một nền kinnh tế đa dạng, định hướng mở, nhiều tài nguyên và có tỷ lệ tích luỹ cao. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cao nhờ Hiệp định thương mại Việt Mỹ đã có hiệu lực và đang đi vào triển khai đồng thời đây cũng sẽ là động lực thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam. S&P cũng đánh giá cao nguyên tắc thực hiện quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng và cam kết cải cách của Việt Nam trong thời gian qua và trong thời gian tới. Việt Nam đang chủ động tham gia hội nhập, từng bước tự do hoá thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ; đang tiếp tục thực hiện quá trình tự do hoá nền kinh tế. Quá trình này cũng được phản ánh đầy đủ thông qua các cơ sở pháp lý tích cực như Luật doanh nghiệp, Hiệp định thương mại Việt Mỹ, các chương trình cải cách cơ cấu và xoá đói giảm nghèo đã ký kết với IMF/WB trong thời gian qua và Việt Nam đang tích cực chuẩn bị và đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quá trình cải cách của Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút được sự trợ giúp tích cực của các nhà tài trợ quốc tế, đa phương và song phương. Theo chuyên gia phân tích của S&P, triển vọng hệ số tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tiến trình thực hiện cải cách và việc duy trì chiến lược quản lý nợ thận trọng.
Việc ký kết thành công Hiệp định xử lý nợ giữa Việt Nam và Nga trong khuôn khổ Câu lạc bộ Paris vào năm 2000 đã tạo chuyển biến tích cực tới hiện trạng vay nợ nước ngoài của Việt Nam. Phần lớn các khoản vay nước ngoài của Việt Nam là các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi từ nguồn ODA. Đây là mức nợ thấp nhất trong các quốc gia có hệ số tín nhiệm trong khoảng BB tương đương với Việt Nam. Bộ Tài chính còn cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược quản lý nợ nước ngoài thận trọng theo hướng đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả thông qua việc lựa chọn các dự án tốt, có khả năng tạo ra nguồn ngoại tệ và kiên quyết không để tình trạng nợ xấu như trong quá khứ.
Một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia là mức GDP bình quân theo đầu người. Theo S&P, mức thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện ở mức khoảng 440 USD là thấp và là lý do chủ yếu giữ Việt Nam ở mức hệ số tín nhiệm thuộc nhóm BB. Mặc dù vậy, hệ số tín nhiệm ở mức BB- đã đặt Việt Nam với mức GDP/đầu người tính theo ngang giá sức mua (PPP) là 2.030 USD vào (năm 2001) ngang hàng với các nước như ư Gioóc-đa-ni, Bun-ga-ri và Pê ru có GDP bình quân/đầu người tính theo PPP là 4.040 USD, 5.530 USD, và 4.720 USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia này của Việt Nam cũng cao hơn của CHLB Nga và Bolivia hiện có hệ số tín nhiệm quốc gia B+ trên thị trường tài chính quốc tế. Điều này cho thấy S&P đã đánh giá cao triển vọng nâng hạng hệ số tín nhiệm của Việt Nam và theo nhận định của nhiều nhà phân tích, hệ số tín nhiệm quốc gia của S&P đối với Việt Nam sẽ có nhiều khả năng được nâng lên trong thời gian tới.