Tư tuởng Hồ Chí Minh trong ngoại giao- BT NG Ng. Dy Niên

Trong toàn bộ nội dung phong phú của tư tưởng Hồ Chí Minh, những tư tưởng về ngoại giao chiếm một vị trí quan trọng. Tư
tưởng của Người, trí tuệ và đường lối quốc tế của Đảng, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, kết hợp được với sức mạnh thời đại, là cội nguồn tạo nên những thành tựu vẻ vang trên mặt trận đối ngoại hơn nửa thế kỷ qua.

Sự hình thành và phát triển của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời hoạt động của Người qua những giai đoạn lịch sử đầy biến cố, những thay đổi sâu sắc, lớn lao về nhiều mặt của đời sống thế giới và Việt Nam.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một hệ thống các nguyên lý, quan điểm, quan niệm về thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược và sách lược ngoại giao. Tư tưởng đó còn thể hiện trong chính sách và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đó là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đó là quyền tự do của các dân tộc được sống trong hòa bình, là tư tưởng hòa bình cho Việt Nam và hòa bình cho thế giới, chống chiến tranh xâm lược, chống can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, chống các chính sách cường quyền và áp đặt trong quan hệ quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các quyền dân tộc cơ bản và luôn nhấn mạnh độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia là những vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nguyên lý cơ bản, luận điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn ái Quốc giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhận thức được chân lý: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Để bảo đảm sự nghiệp giải phóng dân tộc thắng lợi triệt để thì cuộc cách mạng dân tộc dân chủ phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trải qua 60 năm hoạt động, chiến lược và mục tiêu cách mạng mỗi thời kỳ có khác nhau, nhưng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng nhất quán của Người.

Độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn với đoàn kết và mở rộng hợp tác quốc tế là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nêu rõ, muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải giúp lấy mình đã; và tự lực cánh sinh là một truyền thống quý báu của cách mạng nước ta. Từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh luôn xác định cách mạng Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với các trào lưu và lực lượng tiến bộ của thế giới, việc tăng cường các mối liên hệ và hợp tác quốc tế là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Sức mạnh của Việt Nam là ở sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, là ở việc phát huy mọi nguồn lực của đất nước, đồng thời ở việc đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế. Đó cũng chính là cơ sở để phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Quan niệm đoàn kết, hợp tác quốc tế là con đường hai chiều và trên cơ sở cùng có lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: mình đã
hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả. Sự nghiệp vẻ vang của nhân dân Việt Nam đóng góp vào thực hiện các mục tiêu chung của nhân dân tiến bộ thế giới. Người sớm nêu ra ý tưởng hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước. Ngay những năm đầu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Người đã khẳng định Việt Nam mong muốn thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, đón nhận đầu tư nước ngoài; mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế; hoan nghênh đầu tư nước ngoài để xây dựng lại Việt Nam và để tham gia "điều hòa kinh tế thế giới".

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tính chất thời đại và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chính nghĩa, đạo lý và nhân nghĩa trong quan hệ quốc tế. Người nêu rõ: Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Người thường nhắc nhở phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân ta giữ được lòng yêu mến, biết ơn các nước bạn anh em, phấn đấu tăng cường đoàn kết quốc tế, coi đó là "thiên kinh địa nghĩa" (điều vô cùng chính xác, không thể nghi ngờ).

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa - là bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai.

Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngoại giao dân tộc ta. Ngoại giao trở thành một mặt trận, triển khai khắp thế giới và ngay tại hậu phương của đối phương. Tháng 5-1969, Bác nêu rõ: Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược (*). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao đã phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh quân sự và chính trị, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng lớn của nhân dân tiến bộ trên thế giới, thực hiện vừa đánh, vừa đàm, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng từng thời kỳ, trực tiếp tham gia kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi cuối cùng.

Là một trong những lực lượng nòng cốt của ngoại giao nước ta, ngoại giao nhân dân được triển khai từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất và đạt tới đỉnh cao trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, là một bước phát triển độc đáo và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại, hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Đồng thời, hoạt động ngoại giao luôn tùy thuộc vào sức mạnh tổng hợp của đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn.

Bác Hồ quan tâm bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao. Nói chuyện tại các Hội nghị ngoại giao những năm 1962, 1964 và 1966, Người nêu lên những quan điểm toàn diện, cơ bản về ngoại giao và tiêu chuẩn của người cán bộ ngoại giao Việt Nam. Năm 1969, Bác căn dặn: Cán bộ, nhân viên ngoại giao và bất cứ người Việt Nam nào ra nước ngoài cũng là đại diện cho dân tộc, cho đất nước (**).

Gắn liền với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao của Người. Trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh mềm mỏng nhưng rất quyết đoán, kiên trì chân lý, bảo vệ nguyên tắc, bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo được sức cảm hóa và thuyết phục đối với mọi đối tượng nước ngoài.

Hồ Chí Minh có khả năng tiên tri, tiên liệu và dự cảm vượt thời gian. Những dự báo đúng đắn của Người về thời cơ, về khả năng phát triển và những bước ngoặt của tình hình thế giới và Việt Nam đều do phân tích các xu thế và thực tiễn khách quan thế giới và đất nước. Đó còn là kết quả của tinh thần cách mạng tiến công, như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là tư tưởng tiến công (***).

Là người vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt.

Hồ Chí Minh đã phát huy ngoại giao "tâm công" (đánh vào lòng người) - một truyền thống ngoại giao quý báu của ông cha ta nhằm không ngừng mở rộng tập hợp lực lượng, tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế. Trong kháng chiến cứu nước, Người luôn phân biệt nhân dân với giới cầm quyền các nước tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua việc vận dụng những phương pháp phong cách ứng xử nhạy bén, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật đó còn thể hiện trong việc thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn "năm cái biết" (ngũ tri) của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét rằng Hồ Chí Minh là con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch..., nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể.

Hiện nay, khi những điều kiện quốc tế khác nhiều so với trước, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao sẽ mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đề ra, nhằm phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần độc lập tự chủ, không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội và phát triển, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế thế giới là nội dung cơ bản... Việc vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh còn đòi hỏi mỗi cán bộ ngoại giao không ngừng học tập nội dung tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao và ứng xử văn hóa của Người trong giao tiếp đối ngoại; rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức, phẩm chất, kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa theo gương Bác Hồ vĩ đại.

NGUYễN DY NIÊN

------------------------------

(*) Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - NXB Chính trị quốc gia (1999), tr.213.

(**) Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn mới - Nguyễn Dy Niên - NXB Chính trị quốc gia (2001), tr.50.

(***) Hội nghị ngoại giao lần thứ 23 tại Hà Nội, ngày 12-12-2001.