Tuyên bố của NFN BNG về người thiểu số Tây Nguyên vượt biên
Ngày 31-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố toàn văn về việc giải quyết vấn đề người thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia như sau:
1 - Vừa qua Việt Nam, Cam-pu-chia và UNHCR đã ký, triển khai và đã đạt được một số kết quả trong việc thực hiện Thỏa thuận về hồi hương những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Trong toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề nhân đạo này, Việt Nam luôn thiện chí và hợp tác với các bên liên quan, thực hiện trách nhiệm của mình.
Nhưng quá trình này vừa qua đã bị cản phá từ những người thiếu thiện chí. Vì thế, mới chỉ có một số được tổ chức hồi hương theo Thỏa thuận Ba bên. Những người còn ở trong các trại tạm cư phải sống trong điều kiện tạm bợ và hết sức khó khăn. Do đó, đã có nhiều người không chịu đựng nổi, tự bỏ trại trở về Việt Nam và được nhân dân và chính quyền địa phương đón tiếp, giúp đỡ, họ đã nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, hòa nhập vào cộng đồng ở quê hương mình.
2 - Xuất phát từ chính sách nhân đạo và trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình. Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể làm được để những người này được nhanh chóng hồi hương. Nhưng do UNHCR đơn phương ngưng thực hiện Thỏa thuận Ba bên đã làm cho những người muốn trở về không được hồi hương. Tình trạng này buộc những người ở trại tạm cư tiếp tục phải sống trong điều kiện khổ cực, tạm bợ, thiếu thốn và có nguy cơ kéo dài, nhất là khi mùa mưa sắp bắt đầu. Mặt khác, tình trạng này cũng gây nhiều khó khăn cho phía Cam-pu-chia.
3 - Trước tình hình đó, Việt Nam đã trao đổi và nhất trí với Cam-pu-chia rằng cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm những người hiện đang sống tạm bợ ở Rát-ta-na-ki-ri và Mon-đun-ki-ri như một trường hợp cá biệt theo hướng thu xếp ngay cho những người có nguyện vọng hồi hương được trở về với gia đình với sự hợp tác giữa Việt Nam, Cam-pu-chia và UNHCR; còn đối với những người muốn được định cư ở nước thứ ba thì giải quyết theo những thủ tục và quy trình mà UNHCR đã từng hợp tác với Việt Nam và với các nước hữu quan trong quá khứ.
Việt Nam cho rằng vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng trên tinh thần nhân đạo, không được chính trị hóa, không sử dụng việc giải quyết vấn đề này để gây phương hại đến lợi ích và an ninh của Việt Nam và Cam-pu-chia.