Tuyên bố của NFN BNG VN về việc UNHCR rút khỏi thoả thuận 3 bên


Thoả thuận ba bên được ký kết ngày 21/1/2002 về việc hồi
hương những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia là cố gắng của cả ba bên Việt Nam, Căm-pu-chia và UNHCR. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn tôn trọng thoả thuận này, theo đó những người trở về đưuợc đưa về trong an toàn và tôn trọng nhân phẩm. Việt Nam không và chưa bao giờ đưa người trở về trái với nguyện vọng của họ.

Theo thoả thuận ba bên, việc các quan chức UNHCR đi thăm các gia đình là nhằm mục đích thuyết phục thân nhân của họ đang ở Căm-pu-chia hồi hương. Vì thế, đối với những gia đình có người đã nộp đơn xin được hồi hương thì việc đi thăm của UNHCR là không cần thiết. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, sau khi được UNHCR thông báo có 104 người mong muốn hồi hương Việt Nam vẫn bày tỏ thiện chí và đã giải quyết cho UNHCR đi thăm 28 gia đình ở Tây Nguyên theo đề nghị của UNHCR. Nhưng sau khi đi thăm, thay vì đưa 104 người trở về UNHCR chỉ cho 15
người trở về. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp nhận một cách chu đáo 15 người này. Cần phải nói rõ rằng những người ra đi là những người vượt biên trái phép do bị lừa gạt và kích động. Họ không phải là những người tị nạn. Chính phủ Việt Nam đã rất nhân đạo, không những thực hiện đúng cam kết của mình trong thoả thuận ba bên là không phân biệt đối xử, không trừng phạt người trở về vì những lý do liên quan đến việc ra đi của họ mà còn quyết định khoan hồng, tuyên bố họ sẽ không bị truy tố, không bị trừng phạt hoặc phân biệt đối xử về những hành vi trong quá khứ của họ, hơn nữa còn tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

Là một bên ký kết của thoả thuận ba bên nhưng rất tiếc cho đến nay UNHCR đã không nghiêm túc thực hiện thoả thuận, không tổ chức cho những người vượt biên trái phép được trở về mặc dù đa số họ đều mong muốn được hồi hương. Những người sống trong các lán trại tạm ở Căm-pu-chia hiện đang ở trong tình trạng hết sức khổ cực, thiếu thốn, ốm đau, bệnh tật và có người đã chết. Điều đáng lo ngại là có những bằng chứng cho thấy rằng một vài quan chức trong trại có dính líu đến việc đưa người vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia, cũng như ngăn cản, đe doạ những người muốn trở về. Điều này hoàn toàn trái với tôn chỉ và mục đích nhân đạo của UNHCR.

Dù UNHCR có tuyên bố thế nào đi chăng nữa thì việc vừa qua đã có hơn 200 người tự động ra về trước sự chứng kiến của UNHCR cho thấy những người vượt biên trái phép này tha thiết mong muốn được hồi hương. Việc thân nhân của những người đang sống trong các lán trại tạm tại Căm-pu-chia sang thăm hỏi và động viên họ trở về là việc làm tình cảm bình thường, hoàn toàn không thể coi đó là "cưỡng bức hồi hương" như UNHCR tuyên bố. Những người sang thăm là thân nhân của những người trong trại, không có lý do gì để nói rằng họ lại hành hung chính những người thân của mình. Không có việc nhân viên UNHCR tại trại Mô-đun-ki-ri đã bị hành hung mà ngược lại, một số kẻ xấu ở trong trại này lâu nay được UNHCR dung dưỡng đã dùng gậy gộc, dao và nỏ để ngăn cản những người đến thăm vào trại và hành hung những người có nguyện vọng trở về. Nhân viên UNHCR đã không làm gì để ngăn cản những hành động hung hăng đó.

Cách đây hơn một tháng, bằng việc đơn phương tuyên bố ngưng việc hồi hương, UNHCR đã làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nay UNHCR lại tuyên bố rút ra khỏi thoả thuận ba bên. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và quan ngại trước quyết định này của UNHCR. Chính UNHCR phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc thoả thuận ba bên không được thực hiện.

Chính phủ Việt Nam một lần nữa xin nhắc lại lập trường của mình là luôn luôn coi Thoả thuận ba bên là một khuôn khổ pháp lý cho một giải pháp thoả đáng về vấn đề hồi hương những người dân tộc thiểu số tại các lán trại tạm ở Căm-pu-chia. UNHCR đã trang trọng ký vào bản thoả thuận ba bên, UNHCR không thể dễ dàng từ bỏ những cam kết của mình như vậy. Chúng tôi cho rằng, là một tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng, đã từng hợp tác tốt với Việt Nam trước đây, UNHCR cần phải tôn trọng những cam kết của mình, cùng hợp tác với Việt Nam và Căm-pu-chia tìm ra một giải pháp hợp lý thúc đẩy việc thực hiện thoả thuận.

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2002