Định hướng xuất khẩu một số mặt hàng trong 2001-2005

Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời kỳ 2001-2010 và kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội 5 năm 2001 -2005, có thể khái quát định hướng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sau:

1. Gạo
Dự báo trong thời kỳ 2001 - 2005, khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta đạt khoảng 4 triệu tấn/năm với kim ngạch gần 1 tỷ USD/năm. Dự kiến xuất khẩu gạo của nước ta vào khu vực châu á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 51% (trong đó các nước ASEAN chiếm 48%); vào thị trường Trung Đông và châu Phi chiếm 35%; vào thị trường châu Mỹ chiếm 10% và thị trường châu Âu chiếm 4%.

2. Cà phê
Dự kiến giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng khoảng 8,7%/năm; giá cà phê Việt Nam sẽ xấp xỉ với giá cà phê của Inđônêxia và các nước khác. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (chiếm 60%); Mỹ (15%); Xinh-ga-po (10%); Nhật Bản (6%); các thị trường khác chiếm (9%).

3. Nhân hạt điều
Dự kiến giá trị xuất khẩu nhân hạt điều hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 13%, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 45%; Hoa Kỳ: 25%; EU: 15%; ôxtrâylia: 10%; các nước châu á khác: 5%.

4. Cao su
Dự báo giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ đạt 13%/năm, giá xuất khẩu cao su xấp xỉ giá của các nước khác. Với thị trường Trung Quốc, việc chỉ định đầu mối xuất khẩu và phương thức hàng đổi hàng sẽ tiếp tục được áp dụng. Đồng thời, tiếp tục củng cố và mở rộng các thị trường có nhu cầu lớn về cao su nguyên liệu như Hàn Quốc, Nhât Bản, Mỹ, EU, Nga ... Dự kiến xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc sẽ chiếm 35%; Xinh-ga-po: 20%; EU: 15%; Ma-lai-xi-a: 6%; Đài Loan: 5%; Hàn Quốc: 4%; Hồng Công: 3%; Nhật Bản: 2%; Liên bang Nga: 2% ...

5. Chè
Dự báo trong thời kỳ 2001 - 2005, giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng 17,8%/năm, giá xuất khẩu chè sẽ cao hơn thời kỳ 1996 - 2000 do có khả năng tìm được một số thị trường tiêu thụ với khối lượng lớn như I-rắc, Nga, ...

6. Hạt tiêu
Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm trên 10% và xuất khẩu chiếm trên 15% tổng lượng hạt tiêu buôn bán trên toàn thế giới. Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục tăng do cung không đủ cầu. Giá trị xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sẽ tăng 8,4%/năm, giá xuất khẩu hạt tiêu xấp xỉ giá của các nước khác.

7. Rau quả

Dự báo nhu cầu rau, quả trên thị trường thế giới sẽ tăng khoảng 5%/năm. Giá trị xuất khẩu rau, quả (không kể hạt tiêu và gia vị) của Việt Nam sẽ tăng 16,8%/năm với tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là 30%; Nhật Bản: 15%; EU: 10%; Hoa Kỳ:10%; Đài Loan: 15%; Hồng Công:5%; các thị trường khác: 15%.

8. Thuỷ - hải sản
Dự kiến trong thời kỳ 2001 - 2005, kim ngạch xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam tăng 14%. Trong đó, xuất khẩu thuỷ hải sản vào thị trường Nhật Bản chiếm 35%; Hoa Kỳ: 20%; EU: 10%; Trung Quốc: 7%; Hồng Công: 6%; Đài Loan: 5%; Xin-ga-po: 3%; Hàn Quốc: 3%; các thị trường khác 11%. Để thuỷ hải sản Việt Nam có thể ổn định trên thị trường thế giới, nhất là với các nước EU, cần nâng cao chất lượng thuỷ hải sản, tiếp tục đàm phán với EC để đưa thêm một số doanh nghiệp Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu thuỷ sản vào EU.

9. Hàng dệt may
Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tăng 16%/năm. Thời gian tới, tiếp tục đàm phán với EU để tăng hạn ngạch hàng dệt may cho Việt Nam; nghiên cứu chuyển dần sang phương thức bán trực tiếp để thu được hiệu quả cao hơn và ổn định hơn nhằm chủ động đối phó với thị trường khi EU bỏ hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may đối với nước ta từ năm 2005. Dự kiến xuất khẩu vào EU chiếm 40%; Hoa Kỳ: 20%; Nhật Bản: 20%; các nước châu á khác: 10% và các thị trường còn lại: 10%.

10. Giày dép
Dự báo trong thời kỳ 2001 - 2005, hàng giày dép vẫn là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất:18,5% tuy có chậm hơn trước. Dự kiến tỷ trọng thị trường xuất khẩu hàng giày dép vào EU là 55%; Hoa Kỳ: 15% (sau khi hiệp định thương mại giữa hai nước được ký kết); Nhật Bản: 5%; Hàn Quốc: 5%; Đài Loan: 5%; Hồng Công: 5%; Nga, các SNG và Đông Âu: 5%; các thị trường còn lại: 5%.

11. Hàng thủ công mỹ nghệ
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu về hàng thủ công mỹ nghệ của thế giới có xu hướng tăng lên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ tăng 26,2%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Trong thời gian tới, cần quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, có chính sách đối với làng nghề, nghệ nhân, đào tạo thợ thủ công truyền thống kết hợp với việc mở rộng liên doanh với nước ngoài để nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hoá, đồng thời đa dạng hoá phương thức xuất khẩu, hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại; đầu tư thích đáng để xây dựng các cơ sở sản xuất với trang bị đầy đủ và hiện đại ở khắp ba miền, nhất là ở những trung tâm đông dân cư.

12. Dầu mỏ
Dự báo giá dầu thô thế giới sẽ đươcj giữ vững do Tổ chức các nước xuất khẩu dần mỏ (OPEC) vẫn muốn duy trì hạn ngạch sản xuất, nhờ vậy giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng sẽ được giữ vững. Dự kiến trong hai năm 2001 - 2002, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ tăng, Từ năm 2003, khi nhà máy lọc dầu hình thành thì xuất khẩu sẽ giảm xuống. Tỷ trọng xuất khẩu vào Ô-xtrây-li-a chiếm 24%, Nhật Bản:20%; Xinh-ga-po:20%; Trung Quốc: 13%; In-đô-nê-xi-a: 10%; Ma-lay-xi-a: 3% và các thị trường còn lại: 10%.

13. Than đá
Trong thời gian tới, giá than có thể đạt 30USD/tấn, khối lượng xuất khẩu đạt 4 triệu tấn/năm. Dự kiến xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 30%; EU: 15%; Thái Lan: 10%; Trung Quốc : 10%; Đài Loan: 10%; Bungari: 10% và các thị trường khác: 5%.

14. Hàng điện tử, linh kiện máy tính và sản phẩm phần mềm
Xuất khẩu hàng điện tử - tin học và sản phẩm phần mềm của Việt Nam vẫn là một trong những nhóm hàng dự kiến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 24% với tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường : Phi-líp-pin: 30%; Thái Lan: 20%; Ma-lai-xi-a: 10%; Nhật Bản: 8%; Xinh-ga-po: 7%; Hàn Quốc: 6%; Mê-hi-cô: 5% và các thị trường khác: 14%.

15. Hàng cơ khí, điện và máy móc nhỏ
Trong giai đoạn 1998 - 2000, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang phát huy tác dụng, bước đầu xuất khẩu được một số hàng cơ khí, điện và máy móc nhỏ như máy đánh bóng gạo, máy chế biến nông sản, máy bơm, máy chế biến điện ... Trong những năm tới, vốn đầu tư nước ngoài trong ngành cơ khí sẽ tiếp tục tăng lên, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng cơ khí của Việt Nam nước ta sẽ tăng bình quân 15%/năm.