NFN trả lời về cuộc họp ba bên VN-CPC-UNHCR

1. Ngày 13 tháng 3 năm 2002, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Thuý Thanh trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên nước ngoài về kết quả cuộc gặp giữa Việt Nam, Căm-pu-chia và UNHCR ngày 12/3/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Ngày 12 tháng 3 năm 2002, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc họp 3 bên Việt Nam, Căm-pu-chia và Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Phú Bình, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn. Đoàn Căm-pu-chia do ông Long Vi-sa-lô, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế làm trưởng đoàn. Phía UNHCR do ông A-xa-đi Gia-han-xa, Trưởng đại diện tại Thái Lan, Căm-pu-chia, Lào, Việt Nam làm trưởng đoàn. Cuộc họp đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Các bên đều nhất trí thực hiện đúng thoả thuận ba bên ngày 21/1/2002 về việc hồi hương số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia và tiếp tục bàn các biện pháp cụ thể để thực hiện thoả thuận này.

Nhân đây xin nhắc lại rằng: Những công dân Việt Nam nói trên là những người do bị kích động, lừa gạt đã vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia, đã vi phạm quy chế xuất nhập cảnh của Việt Nam và của Căm-pu-chia. Họ hoàn toàn không phải là những người tị nạn. Thoả thuận ba bên ngày 21/1/2002 giữa Việt Nam - Căm-pu-chia - UNHCR là c sở pháp lý quan trọng để giải quyết việc hồi hương số người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia và được dư luận đánh giá cao. Các bên đều đã nhất trí với nguyên tắc là việc hồi hương sẽ được thực hiện trong an toàn và tôn trọng nhân phẩm. Cho đến nay, Việt Nam không hề ép buộc ai trở về. Việt Nam đã rất thiện chí và thực hiện nghiêm túc Thoả thuận này. Việt Nam không những thực hiện đúng cam kết của mình trong Thoẩ thuận ba bên là không trừng phạt hoặc phân biệt đối xử với người trở về vì những lý do liên quan đến việc ra đi của họ mà còn quyết định khoan hồng tất cả những người trở về theo Thoả thuận ngày 21/1/2002 và họ sẽ không bị truy tố, bị trừng phạt hoặc phân biệt đối xử về những hành vi trong quá khứ của họ.

Trong thập kỷ 90, hơn 100 ngàn người Việt Nam vượt biên trái phép sống tại các trại tạm cư tại Hồng kông và một số nước Đông Nam á đã được hồi hương theo các nguyên tắc này với sự hợp tác của UNHCR và các bên liên quan. Những người trở về đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và tái hoà nhập cộng đồng. Nhiều năm đã trôi qua, cộng đồng quốc tế đã thấy rõ không hề có một trường hợp nào bị phân biệt đối xử. Thực tế này đã chứng tỏ Chính phủ Việt Nam luôn luôn thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình đối với những người trở về, trong đó có việc không trừng phạt họ.

Về việc đưa người trở về, chính UNHCR đã chủ động thông báo cho chúng tôi trước Tết Nguyên đán là có trên 100
người muốn trở về. Đáp ứng nguyện vọng đó của bà con và thân nhân họ và thực hiện đúng Thoả thuận ba bên, Việt Nam đã bố trí ngay cho nhân viên UNHCR đi thăm một số gia đình của số đồng bào đó mà UNHCR muốn thăm. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, UNHCR mới chỉ đưa 15 người trở về Việt Nam. Khi nghe tin UNHCR ngưng việc hồi hưng, do nhận rõ là đã bị lừa gạt, không chịu được cuộc sống khổ cực, nhiều bệnh tật và lại được thông tin là những người đã trở về không hề bị trừng phạt và phân biệt đối xử, một số bà con chúng tôi đã tự động bỏ trại trở về quê hưng. Điều này đã cho thấy rõ nguyện vọng tha thiết của đa số những người đang sống trong các lán trại tạm ở Căm-pu-chia và gia đình họ là sớm được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

Trong quá khứ Việt Nam đã hợp tác rất tốt với UNHCR. Việt Nam cũng đã hợp tác tốt với Căm-pu-chia và UNHCR trong thời gian qua. Chúng tôi mong rằng UNHCR cũng sẽ hợp tác tốt vơí Việt Nam và Căm-pu-chia trong việc thực hiện tho thuận ba bên, đưa những người vượt biên trái phép đang sống trong những điều kiện hết sức khổ cực trong các lán trại ở Căm-pu-chia sớm trở về Việt Nam trước mùa mưa. Đây sẽ là hành động nhân đạo, phù hợp với nguyện vọng của bà con chúng tôi, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của UNHCR, một tổ chức có sứ mệnh nhân đạo.