NFN bác bỏ báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
Ngày 6 tháng 3 năm 2002, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Thuý Thanh trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 4 tháng 3 năm 2002, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2001, trong đó phê phán một số
nước khác và Việt Nam.
Trả lời:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tiếp tục một việc làm sai trái và phi lý là tự cho mình quyền phán xét tình hình nhân quyền của các
nước khác trong khi chính Hoa Kỳ đang bị chỉ trích vì vi phạm nhân quyền và không được bầu làm thành viên Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo này đã xuyên tạc trắng trợn tình hình thực tế ở Việt Nam khi đưa ra một loạt nhận xét vu cáo và những dẫn chứng bịa đặt, sai sự thật. Bằng việc đưa ra báo cáo này, Hoa Kỳ đang can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam cực lực phản đối và kiên quyết bác bỏ.
Cần khẳng định lại rằng, ở Việt Nam , các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp bảo đảm và được tôn trọng trong thực tế. ở Việt Nam không có cái gọi là "tù chính trị", "tù nhân tôn giáo", chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiến pháp Việt Nam quy định rõ và luôn được thực thi đầy đủ là công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Chế độ chính trị ở Việt Nam và Chính phủ Việt Nam là do nhân dân Việt Nam lựa chọn, thể hiện ý nguyện của nhân dân Việt Nam.
Những lời lẽ xuyên tạc về tình hình Tây Nguyên trong bản báo cáo này chẳng thuyết phục được ai, mà ngược lại chỉ càng cho thấy sự vu cáo trắng trợn của phía Hoa Kỳ. Vừa qua, chính một số quan chức Hoa Kỳ và nhiều nhà báo nước ngoài đã có dịp lên thăm Tây Nguyên. Họ đã tận mắt thấy tình hình thực tế ở Tây Nguyên, chính sách ưu tiên của Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Nguyên, và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện của đồng bào các dân tộc ở các Tỉnh Tây Nguyên, cũng như chính sách nhân đạo, thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc hợp tác với Căm-pu-chia và UNHCR để sớm đưa một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên do bị kẻ xấu và các thế lực thù địch lừa gạt đã vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Trong lúc hai nước đang nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thì việc làm này của Hoa Kỳ là không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước./.