Hội thảo bình đẳng giới ở Việt Nam



Hội thảo bình đẳng giới ở Việt Nam do ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc(UNDP), Đại sứ quán Hà Lan, Ngân Hàng thế giới(WB), Hội luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 26 và 27/10/2000.

Tại Hội thảo này, ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ sẽ
công bố kết quả nghiên cứu tình hình và giới ở Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, sức khỏe và phụ nữ tham gia lãnh đạo. Báo cáo nghiên cứu chính sách của Ngân Hàng thế giới về" Tăng cường tính nhạy cảm Giới trong Phát triển" và công trình nghiên cứu về " Sự bình đẳng về cơ hội kinh tế của phụ nữ trong pháp luật thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam" cũng sẽ được trình bày.

Các đại biểu dự hội thảo cũng sẽ trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia đến năm 2010 và Kế hoạch hành động 5 năm 2001-2005 vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ nói: Chính phủ Việt Nam nhận thức rằng để đất nước có thể phát triển một cách bền vững thì không thể thiếu được vai trò tham gia tích cực của phụ nữ. Bà Khiết cho rằng, sự ổn định và phát triển của đời sống văn hóa xã hội cũng như sự tăng trưởng về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua có phần đóng góp
không nhỏ của phụ nữ.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrew Steer phát biểu tại hội thảo khẳng định: Việt Nam là một trong những nước đã đạt được tiến bộ đáng kể về bình đẳng nam nữ trong những thập kỷ vừa qua. Các quyền bình đẳng nam nữ đã được qui định trong hiến pháp, các bộ luật quan trọng cũng như trong một số chính sách của Việt Nam. Hy vọng trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ Việt Nam sẽ lưu ý giải quyết những vấn đề mới về giới liên quan tới những vấn đề như HIV/AIDS, đối xử thô bạo với phụ nữ trong gia đình và buôn bán phụ nữ, trách nhiệm của nam giới trong vấn đề sức khỏe sinh sản và tác động về khía cạnh giới trong qua trình toàn cầu hóa.

Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 51,48% dân số cả nước và chiếm 52% lực lượng xã hội. Tuy nhiên hiện nay, phụ nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi hơn do với nam giới như tỷ lệ phụ nữ bị mất việc cao hơn so với nam giới, phụ nữ được đào tạo về kỹ thuật còn thấp, phụ nữ thu nhập ít hơn nam giới với cùng một loại hình công việc. Phụ nữ Việt Nam còn gặp khó khăn nhiều hơn nam giới trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, với các dịch vụ y tế, giáo dục..../.