Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% năm 2000



Hà Nội (Ttxvn 30/11/2000)

Theo đánh giá của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2000 có thể đạt mức 6,1% và tăng lên 6,4% trong năm 2001 nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh.

Báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của ADB, công bố ngày 29/11/2000 tại Hà Nội, nhận xét rằng, sau hai năm 1998 và 1999 nền kinh tế tăng trưởng chững lại, nay đã có những dấu hiệu đáng khích lệ về sự phục hồi. Nhiều nhân tố xuất hiện đang tạo cơ hội tốt cho việc chuyển đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nữa. Trong đó sản lượng công nghiệp tăng đã góp phần rất lớn giúp Gdp tăng trưởng mạnh. Tổng sản lượng công nghiệp có thể tăng 9,7% trong năm nay và 9,6% trong năm 2001 so với mức tăng 7,6% năm 1999.

ADB đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2000 nhờ giá dầu thô trên thế giới tăng cao và nhờ việc vận chuyển tốt các hàng hóa được sản xuất trong nước. Cả năm, xuất khẩu sẽ đạt mức tăng trưởng 12,9%. Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ ký hồi tháng 7/2000 có khả năng đưa lượng hàng hóa xuất khẩu hàng năm sang Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi.

Báo cáo của ADB cũng ghi nhận rằng, Việt Nam đã thu được những kết quả đáng kể trong việc giảm nghèo trong hơn một thập kỷ qua, chủ yếu nhờ vào nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

* Sáng 29/11/2000, Ngân hàng Thế giới (Wb) tại Việt Nam đã công bố một báo cáo mới về Việt Nam với nhan đề "việt Nam 2010: Tiến vào thế kỷ 21".

Báo cáo đưa ra những nhận xét đánh giá về bản dự thảo Chiến
lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2001-2010 đang được thảo luận và tham khảo ý kiến rộng rãi trong nước. Báo cáo của Wb đã cho thấy một định hướng quan trọng mới trong hợp tác phát triển quốc tế nhằm giải quyết những vướng mắc cản trở, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Andrew Steer - Giám đốc WB tại Việt Nam đã khẳng định:" Nếu có chính sách thích hợp, Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 7-9% một năm trong thập kỷ tới. Tăng trưởng với chất lượng cao sẽ tạo ra số việc làm gấp đôi và giảm nghèo đói nhanh gấp đôi so với trường hợp tăng trưởng chất lượng thấp"./.