Việt Nam dẫn đầu Đông - Nam Á về tăng trưởng kinh tế
Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 03-10-2003
Bản đánh giá về “triển vọng phát triển Đông - Nam Á” vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 30-9 đã xếp Việt Nam là nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Nhân sự kiện này, ông Ramesh Adhikari - Chuyên viên cao cấp của ADB đã có những đánh giá đối với thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.
Hỏi: Xin ông cho biết những cơ sở để ADB đánh giá về tình hình phát triển Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam?
Trả lời: Tại các nước Đông - Nam Á nói chung và nhất là Việt Nam đã có những chính sách phát triển kinh tế đúng đắn với những định chế tài chính rộng mở để đáp ứng các nhu cầu về cải cách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Theo điều tra của chúng tôi, phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm 2003, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,9% - dẫn đầu khu vực Đông - Nam Á. Cũng bằng cách điều tra tương tự của chúng tôi, Thái-lan đứng thứ hai với tốc độ tăng trưởng là 6%, tiếp theo là Lào (5,5%) và cuối cùng là Singapore (0,5%).
Hỏi: Trong bản báo cáo, ADB đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội, vậy ông có thể đưa ra những nhận xét của mình về nguyên nhân tăng trưởng cao của Việt Nam?
Trả lời: Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong suốt hơn một thập kỷ qua, theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là dựa trên sự phát triển bền vững nguồn nội lực cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước của nhân dân tăng mạnh mẽ. Đồng thời, Việt Nam đã luôn có những cải cách đối với các chính sách thu hút đầu tư của mình để ngày càng cải thiện nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Không chỉ vậy, Chính phủ Việt Nam cũng đã hình thành nên một nền công nghiệp và xây dựng đang phát triển rất hiệu quả để góp phần giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn và bền vững trong vòng hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên cũng phải kể đến những tín hiệu tốt trong quá trình phục hồi của các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và cả của Mỹ, Liên minh châu Âu đã có ảnh hưởng tích cực đối với sự phục hồi kinh tế ở khu vực Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hỏi: Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ông, việc tăng trưởng của Việt Nam như ADB đã nêu có thuận lợi gì cho tiến trình này?
Trả lời: Có một nền kinh tế phát triển bền vững cũng có nghĩa là Việt Nam đã hình thành được một cơ sở quan trọng để gia nhập WTO. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế bền vững như hiện nay sẽ càng tiếp cận dần với tiêu chuẩn của WTO và Việt Nam có thể trở thành thành viên của tổ chức này vào năm 2005 như mục tiêu đã được đề ra. Các thành viên của WTO luôn luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trở thành một thành viên mới như đã từng ủng hộ Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại của các khu vực.
Hỏi: ADB có nhận xét gì về chương trình xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam?
Trả lời: Việt Nam đã hoàn thành rất tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo của mình thông qua việc tăng cường giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho người dân. Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ nghèo đói từ 60% xuống còn hơn 20% - đó là con số ấn tượng thể hiện được nỗ lực lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa đến việc cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn, vùng núi cao (nơi có hơn 2/3 dân số sinh sống và có hơn 30% dân số còn nghèo), thì chương trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Hỏi: Theo ADB, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ có xu hướng giảm nhưng các hàng khác lại tăng, vậy ông có thể đưa ra lời khuyên về phát triển các mặt hàng nào của Việt Nam ở Mỹ cũng như mở rộng sang các thị trường khác?
Trả lời: Đó là thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ. Không chỉ vậy, Việt Nam có thể xuất khẩu các mặt hàng trên sang EU và Nhật Bản.
Hỏi: Từ quá trình phát triển của các nước châu Á, theo ông Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm nào để tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định trong tương lai?
Trả lời: Thông qua quá trình phát triển của các nước, có thể thấy rằng Chính phủ Việt Nam cần phải duy trì chính sách kinh tế ổn định với một thể chế vững mạnh. Đồng thời, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách luật đầu tư nước ngoài của mình và mở rộng phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân cũng như các thành viên khác trong nền kinh tế thị trường. Đó là những kinh nghiệm cần thiết mà Việt Nam phải thực hiện để phát huy những thành quả đã đạt được và duy trì sự phát triển bền vững kinh tế xã hội cũng như công tác xóa đói, giảm nghèo.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN NGHĨA thực hiện
(Báo Sài Gòn giải phóng)