Diễn đàn ngoại giao Meridian tại Washington DC về hợp tác Mê Công - Hoa Kỳ
Ngày 6/6, tại Washington DC, Trung tâm quốc tế Meridian đã tổ chức Diễn đàn ngoại giao Meridian về hợp tác Mê Công - Hoa Kỳ. Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn có nhiều đại diện Chính quyền, Quốc hội, các tổ chức nghiên cứu quốc tế và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Về phía các nước tiểu vùng sông Mê Công có Đại sứ và Đại biện ĐSQ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Diễn đàn này, Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc cùng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Shriver, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN Piper Campbell đã trao đổi về chủ đề “Thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước dọc sông Mê Công”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực Mê Công, cho rằng các nước Mê Công và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều lợi ích chung trong thúc đẩy hợp tác Mê Công. Từ một khu vực từng bị chia rẽ bởi xung đột và chiến tranh, các nước tiểu vùng Mê Công đã duy trì được sự ổn định chính trị, một môi trường hòa bình, trở thành một trong các đầu mối liên kết khu vực. Hiện nay, với dân số khoảng 240 triệu người, tổng GDP khoảng 800 tỉ USD, 05 nước tiểu vùng Mê Công đã trở thành các đối tác quan trọng về an ninh và phát triển, cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược của ASEAN và các đối tác là xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, lấy ASEAN làm trung tâm, đề cao luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia. Để đáp ứng tốc độ phát triển hiện nay, Việt Nam và các nước khác trong tiểu vùng Mê Công đang có nhu cầu lớn về hợp tác và phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và kinh tế số.
Về định hướng hợp tác Mê Công - Hoa Kỳ thời gian tới, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng hai bên cần một cách tiếp cận một cách tổng thể và linh hoạt để phát huy được thế mạnh của mỗi bên và cùng giải quyết các thách thức khu vực. Trong đó, cần ưu tiên các lĩnh vực như: quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước; phát triển các loại hình năng lượng sạch và bền vững đối với môi trường; hạ tầng giao thông; và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi văn hoá; qua đó giúp tăng cường sự kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển. Đại sứ cũng đề nghị tăng cường hiệu quả các cơ chế hiện có như Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI), thúc đẩy sự phối hợp giữa các đối tác trong và ngoài khu vực để gia tăng tính bổ sung lẫn nhau giữa các cơ chế, và khuyến khích sự tham gia của các định chế tài chính và khối doanh nghiệp tư nhân trong các dự án hợp tác, đầu tư ở khu vực Mê Công.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác Mê Công, phát huy các cơ chế hiện giữa Mê Công và các nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, và lồng ghép vào việc hiện thực hoá các kế hoạch hợp tác tổng thể của khu vực Mê Công, ASEAN cũng như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Diễn đàn cũng đã nghe các trao đổi của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Shriver, Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mark Clark, Nguyên Đại sứ Piper Campbell, Cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, các định hướng hợp tác của Hoa Kỳ với các nước Mê Công và ASEAN thời gian tới. Các đại điện đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mê Công và ASEAN, tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Bên lề sự kiện này, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các ấn phẩm văn hóa, du lịch để giới thiệu về văn hóa và môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Không gian trưng bày đã thu hút được sự quan tâm và tìm hiểu của các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Thành lập từ năm 1960, Trung tâm quốc tế Meridian là một tổ chức phi lợi nhuận, là đối tác của Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ trong tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ với các nước thông qua các chương trình gặp gỡ lãnh đạo, trao đổi ý tưởng, văn hóa; tạo cơ hội để các bên cùng đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chủ đề Hợp tác Mê Công là chương trình trọng điểm của Trung tâm quốc tế Meridian trong năm 2019, nhằm tăng cường sự hiện diện và quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực./.