Luật quốc tịch Việt Nam sửa đổi: bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Với 95,98% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ Khoản 2 Điều 13 của Luật hiện hành quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa bị mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.”
 
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên. Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 đến 10 năm nữa hoặc giao Bộ Tư pháp quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để tạo sự linh hoạt. 
 
Tuy nhiên, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký quốc tịch Việt Nam bởi có quốc tịch là một quyền dân sự, quyền nhân thân cơ bản của người dân đã được pháp luật ghi nhận. Do đó, không nên quy định một người mặc nhiên bị mất quốc tịch nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch như quy định của Luật hiện hành. 
 
Việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà đối với một bộ phận công dân Việt Nam, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như chủ trương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay.
 
Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam như sau:
 
“ Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam
 
1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
 
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
 
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
 
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định tại Điều 18 của Hiến pháp và Điều 7 của Luật quốc tịch Việt Nam; xác định đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như trên sẽ kết nối với quy định hiện có về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, không tạo ra thêm các loại giấy tờ hay thủ tục mới.
 
Để phù hợp với việc không quy định thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đề nghị Quốc hội cho bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày công bố.