Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman thăm Việt Nam.

Ngày 4/3, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính trị Hoa Kỳ Wendy Sherman đã thăm Việt Nam.
 
Trong thời gian chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã tiếp kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân; làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
 
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là kể từ khi hai nước xác lập Đối tác toàn diện, nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp tìm kiếm các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ năm 2015.
 
Tại các cuộc tiếp xúc, phía Việt Nam khẳng định coi trọng quan hệ với Mỹ; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các bộ, ngành, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo.
 
Phía Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục dành linh hoạt cho Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Chính phủ Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, mở cửa hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cảnh sát biển và gìn giữ hòa bình.
 
Thứ trưởng Wendy Sherman đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhấn mạnh Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, giải quyết hậu quả chiến tranh….
 
Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán TPP; bày tỏ mong muốn phối hợp với Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân Quốc tế (IAEA) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Về một số vấn đề còn có quan điểm khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người, hai bên đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và hiểu biết lẫn nhau.
 
Hai bên cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như trong một cấu trúc đang định hình tại châu Á-Thái Bình Dương.
 
Hai bên khẳng định tiếp tục cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, đảm bảo tự do và an toàn, an ninh hàng hải; nhất trí những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)./.