Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo

VNA - Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết việc Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác phát triển năng lượng gió sẽ giúp Việt Nam mở ra ngành công nghiệp mới, tăng cường an ninh năng lượng trong tương lai.
 
Tại hội thảo “Việt Nam-Hoa Kỳ: Năng lượng gió, hợp tác cùng phát triển” do Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 20/2 tại tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thực cho biết với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam được xem là một vùng có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió của thế giới, nhưng đến nay sản lượng điện năng khai thác được còn rất khiêm tốn.
 
Hiện Việt Nam có 48 dự án điện gió đăng ký với tổng công suất 4.876 MW, trong đó đã đi vào vận hành được 3 dự án (công suất 52 MW). Trong mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ ưu tiên đưa nguồn điện gió từ 1.000 MW năm 2020 lên 6.200 MW năm 2030. 
 
Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu tài chính, nhân lực, trang thiết bị cho đầu tư khai thác các dự án phát triển điện gió.
 
Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các dự án năng lượng tái tạo.
 
Nhiều cơ quan của Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ sự tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như dự án năng lượng sạch của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ); Ngân hàng EXIM Bank Hoa Kỳ trong hợp đồng cung cấp tuabin giữa công ty GE (General Electric - Hoa Kỳ) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Lý (Việt Nam); USTDA (Cơ quan thương mại và Phát triển Hoa Kỳ) hỗ trợ chuyên gia Việt Nam sang Hoa Kỳ nghiên cứu về năng lượng tái tạo…
 
Cuối năm 2013, Công ty GE và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Lý đã ký kết hợp tác cung cấp tuabin gió cho dự án diện gió Bạc Liêu. Đây được xem là dự án hợp tác khai thác năng lượng gió đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Dự án điện gió Bạc Liêu được đầu tư với số vốn 5.200 tỷ đồng, công suất dự kiến khoảng 99,2 MW, bao gồm 62 trụ tuabin gió. Hiện dự án đã hòa vào điện lưới quốc gia được 16 MW.
 
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Lý, trong thỏa thuận hợp tác giữa EXIM Bank Hoa Kỳ và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Công ty này được đề xuất làm đầu mối cho dự án Trung tâm Điện gió Đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. 
 
Đây là những nơi có tiềm năng gió vùng ven biển và ngoài khơi rất cao và dễ khai thác, thuận lợi cho việc đầu tư các nhà máy điện gió./.