Quyết tâm tăng trưởng GDP 2012 đạt 6%
Sáng 15/6, theo Chương trình kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và việc giải quyết các kiến nghị có liên quan; chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng cũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012.
Phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cập nhật thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy, những tháng gần đây, nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn các tháng trước, tăng trưởng GDP quý 2 ước đạt 4,5% cao hơn quý 1 (4%). Tính chung tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 4,31%; lạm phát đã được kiềm chế, mức tăng giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước khoảng 3%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Chính phủ chủ trương quyết tâm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%, lạm phát 7-8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.
Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công; tăng cường kiểm soát đối với tín dụng của hệ thống ngân hàng và thực hiện các biện pháp đồng bộ để hạ mặt bằng lãi suất phù hợp với nhịp giảm của lạm phát và biến động thị trường; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại; thực hiện các giải pháp xử lý nhanh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nợ xấu của các doanh nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty trong đó cổ phần hóa là giải pháp quan trọng; kiên quyết thoái vốn khỏi ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính; gắn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với tái cơ cấu nền kinh tế. Cơ cấu lại một số tập đoàn và tổng công ty hiện có cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.
Một một số vấn đề lớn mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp; về doanh nghiệp nhà nước; đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ đối với cán bộ cơ sở và tiền lương xây dựng khu kinh tế quốc phòng, đồn biên phòng, đường tuần tra biên giới và trật tự an toàn xã hội cùng một số vấn đề xã hội đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo và giải trình thêm.
Phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp khả thi để vừa thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, vừa giải quyết tốt những vấn đề xã hội đặt ra và trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tái cơ cấu kinh tế sẽ triển khai mạnh mẽ đồng bộ, có lộ trình tối đa và hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh; phát triển kinh tế đi liền với vấn đề xã hội.
Theo đề án tái cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn, chắc chắn quá trình đó có một bộ phận người lao động mất việc làm, sẽ phát sinh một số vấn đề xã hội. Việc giải quyết này, hàng năm sẽ báo cáo Quốc hội đặc biệt là các mô hình tăng trưởng ngân sách hàng năm của nhà nước cho vấn đề xã hội để trình Quốc hội thông qua, làm tốt đề án tái cơ cấu một cách toàn diện.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) liệu nền kinh tế nước ta liệu có rơi vào suy giảm hay không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quý I kinh tế tăng trưởng 4% , nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, thất nghiệp lớn trong cả đất nước. Quý II tăng trưởng khá hơn, doanh nghiệp ít giải thể, phá sản hơn. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, chính vì vậy nước ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) xung quanh Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả năng suất và năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tái cơ cấu thực chất là việc sắp xếp nguồn lực để nâng cao năng suất lao động và hòa nhập quốc tế. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã góp ý kiến. Quốc hội đánh giá đề án này là công phu và phải căn cứ vào kết luận của Quốc hội trong phiên họp này để Chính phủ triển khai; bổ sung những chủ trương, các biện pháp hoàn thiện Đề án.
Đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đó, nền kinh tế của nước ta có dấu hiệu suy giảm, cụ thể là các doanh nghiệp phá sản, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, sức mua giảm sút. Giải đáp thắc mắc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, giải quyết vấn đề này gồm hai giải pháp đó là tài khóa và tiền tệ. Trong kế hoạch năm nay, mỗi tháng tới đây phải chi trên 21.000 tỷ, tiền tệ lãi suất huy động là 9%, lãi suất vay chỉ có 13%; cùng với các biện pháp khác như giải quyết thủ tục, tạo môi trường đầu tư, chống lãng phí, tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho người lao động ... Chính sách này tạo điều kiện cho tăng trưởng và không lạm phát trong thời gian tới.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công tác
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn về những tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính. Trả lời vấn đề này Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ra 25 nghị quyết để đơn giản 4.800 thủ tục cần phải thay đổi, sửa đổi, bổ sung, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, đầu tư, người dân tốt hơn nữa.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ ra các thủ tục hành chính trong năm 2012; thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo quy phạm pháp luật. Đặc biệt thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cử tri, cá nhân, tổ chức về quy định hành chính để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đó có việc áp dụng một cửa, một cửa lưu thông điện tử ở các cấp, đặc biệt cấp quận, cấp xã, phường trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về chất lượng cán bộ công chức, kỷ luật, kỷ cương công tác, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước hiện có trên 2,8 triệu cán bộ công chức kể cả lực lượng vũ trang. Đa số cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị tốt, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và được đào tạo vững về chuyên môn, đóng góp to lớn vào thành tích chung của đất nước.
Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một bộ phận không nhỏ năng lực của cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; còn thiếu trách nhiệm; có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước. Chấn chỉnh tình trạng này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp trong đó có việc rà soát lại cơ chế thi cử, tuyển dụng cán bộ đáp ứng nhu cầu; kiên quyết loại bỏ những cán bộ tha hóa, không hoàn nhiệm vụ, mất uy tín theo đúng quy định của Luật cán bộ công chức.
Chính phủ đang xây dựng Đề án quản lý cán bộ công chức trên cơ sở vị trí, công việc của từng người; đồng thời, tiếp tục đổi mới tiền lương; tiến hành thanh tra công vụ thường xuyên, nghiêm túc. Chính phủ cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức cần tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân; lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Tán thành đề nghị của đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) về các giải pháp đối với chính sách cán bộ trong công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, không để kẽ hở cho tham nhũng lợi dụng; đi đôi với tích cực giám sát; kiên quyết không để lọt cán bộ tham nhũng vào bộ máy Nhà nước.
Xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước
Các đại biểu đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế); Phan Văn Tường (Thái Nguyên); Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng); Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn về trách nhiệm của các bộ kinh tế tổng hợp, chuyên ngành trong kiểm tra, giám sát hoạt động các tập đoàn, tổng công ty; tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các đơn vị này. Phó Thủ tướng khẳng định các bộ tổng hợp và các bộ chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản của Nhà nước tại các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nhằm đảm bảo duy trì, phát triển vốn Nhà nước.
Chính phủ đã yêu cầu là tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai, minh bạch trong thời gian tới; công bố thông tin cụ thể để có sự giám sát tốt hơn; góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Phó Thủ tướng chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, cơ quan hành pháp quản lý toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước chúng ta theo qui định của pháp luật. Vì vậy, mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành. Chính vì vậy, Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết.
Đặc biệt trong quý 3, Chính phủ sẽ ban hành đầy đủ các văn bản quản lý Tập đoàn, Tổng công ty để làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và công khai trước nhân dân để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề tỷ lệ đói nghèo còn cao tại khu vực tái định cư thủy điện Hòa Bình sau 40 năm xây dựng, theo chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tổ chức ngay đoàn kiểm tra để có biện pháp tháo gỡ ngay thực trạng này. Tuy nhiên,Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của sự việc trên chính là do thực hiện chưa tốt chính sách tái định cư ở vùng lòng hồ.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) về chính sách đối với đồng bào sau thu hồi đất, Phó Thủ tướng cho biết, việc thực hiện di dân phải đảm bảo đời sống của bà con thuộc diện di dời, thu hồi đất, tái định cư ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; không để khiếu kiện xảy ra. Việc đền bù phải được tiến hành với giá sát với giá thị trường; thực hiện dân chủ, công khai, bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, qua hai ngày rưỡi chất vấn trực tiếp tại hội trường và sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước; đã có hàng trăm câu hỏi của các đại biểu trực tiếp chất vấn, trao đổi các bộ trưởng, trưởng ngành, Phó Thủ tướng. Trên cơ sở báo cáo kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp và kết quả chất vấn tại phiên họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết nghị và giao các cơ quan, tổ chức hữu quan, các ngành, các cấp tích cực giải quyết kiến nghị của đồng bào cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, tại phiên chất vấn này, các vấn đề đặt ra đã trúng với những nội dung mà cử tri cả nước quan tâm. Không khí chất vấn trả lời chất vấn tại hội trường là thẳng thắn, xây dựng, có đối thoại, tinh thần xây dựng cao. Các câu hỏi rõ ràng, các câu trả lời đi vào vấn đề, các thành viên Chính phủ đã nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của mình. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung đã hứa với Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh tinh thần tiếp thu của Chính phủ qua phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đặc biệt là quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch, mục tiêu tổng quát cũng như các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Báo cáo trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng đối với quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp; ngay trong giai đoạn này tập trung vào những tập đoàn, tổng công ty đang có vấn đề để giải quyết một cách tích cực, tinh thần thái độ xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những sai phạm ở các vị trí đó.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn thực hiện việc truyền hình trực tuyến có thể trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội có điều kiện tham dự, để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi và giám sát. Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động về nghe báo cáo, giải trình của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề nổi lên cử tri quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các vị đại biểu Quốc hội tham dự đông đảo góp phần ngày càng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm cho hoạt động của Nhà nước bao gồm cả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ gần với dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn; để đồng bào cử tri cả nước theo dõi và giám sát hoạt động của nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này để Quốc hội cho ý kiến, thông qua./.