Việt Nam ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vững mạnh
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 về chủ đề “ASEAN: Một Cộng đồng, một Vận mệnh” diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ đề của năm 2012 như nước Chủ tịch Campuchia đã xác định.
Đó là một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của cả khu vực, mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò và tiếng nói ở khu vực và trên trường quốc tế. Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam nhất trí Hội nghị Cấp cao ASEAN 20 sẽ thông qua Tuyên bố Phnom Penh “ASEAN: Một Cộng đồng, một Vận mệnh.”
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các báo cáo về xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN; khẳng định Việt Nam ủng hộ Chương trình nghị sự Phnom Penh đề ra các định hướng đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia trong khối ASEAN cần đề ra các biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng. Làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, điều phối giữa các trụ cột và phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối; đề cao hơn nữa “văn hóa thực thi”, tính hiệu quả cũng như dành nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện Lộ trình. Thúc đẩy triển khai hiệu quả lộ trình liên kết ASEAN, gắn với thực hiện Kế hoạch công tác triển khai sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 2 (2009-2015) và các chương trình hợp tác tiểu vùng, nhằm hướng tới xây dựng ASEAN thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, phát triển bền vững và đồng đều, trong đó hợp tác hiệu quả về sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), tập trung vào 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục phát huy tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có TAC, DOC, ARF, ADMM+... tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đồng thời, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ các trọng tâm và ưu tiên của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển nhanh chóng, Hiệp hội cần tăng cường phối hợp lập trường về các vấn đề thuộc quan tâm và là lợi ích chung của khu vực; đề nghị sớm xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu...
Đề cập về việc triển khai Kế hoạch Kết nối ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần tiếp tục coi kết nối ASEAN là một ưu tiên trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó quyết tâm thực hiện những cam kết trên cả cấp độ khu vực và quốc gia nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế và người dân. Tạo thuận lợi về giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Sớm hiện thực hóa hai dự án hạ tầng quan trọng là mạng lưới đường bộ ASEAN và tuyến đường sắt Singapore-Côn Minh.
Triển khai kết nối các cảng biển của ASEAN. Thúc đẩy việc nghiên cứu khả năng triển khai Thẻ đi lại và dành cửa xuất nhập cảnh riêng cho công dân ASEAN đồng thời, ASEAN cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, trong đó cần xúc tiến thành lập các cơ chế tham vấn chính thức trong lĩnh vực kết nối và đề nghị các đối tác triển khai cụ thể các cam kết, gắn với các định hướng ưu tiên của Chương trình Tổng thể Kết nối ASEAN.
Về thu hẹp khoảng cách phát triển và triển khai thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được của ASEAN trong việc thực hiện Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II. Tuy nhiên, các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các chương trình, dự án thiết thực cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với phần còn lại của ASEAN.
Về Phong trào Ôn hòa toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến Phong trào Ôn hòa toàn cầu của Malaysia; đề nghị giao các Bộ trưởng và quan chức bàn cụ thể để ASEAN có thể tham gia thích hợp sáng kiến này, trong đó cần đề cao và phát huy các thế mạnh, giá trị truyền thống của ASEAN như đoàn kết và thống nhất trong đa dạng, đối thoại và hòa hợp.
Đề cập về hướng tới một ASEAN không ma túy vào năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia cùng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận, trong đó có Kế hoạch về đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển và sử dụng ma túy, đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực từ ASEAN, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của đối tác bên ngoài; tăng cường lồng ghép với các chương trình quốc gia, song phương, tiểu vùng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), các tổ chức xã hội (CSOs) và thanh niên ASEAN.
Tại cuộc gặp đại diện AIPA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước ASEAN mong muốn AIPA tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ các nước ASEAN nhằm hài hòa hóa các chính sách pháp luật, hỗ trợ ASEAN triển khai các chương trình hợp tác, cùng phấn đấu vì lợi ích của người dân.
Với chủ đề “Giới và phát triển trong ASEAN,” tại cuộc gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN mong muốn các tổ chức xã hội tích cực đóng góp vào nỗ lực của ASEAN về thúc đẩy các quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội…, góp phần vào triển khai các mục tiêu của ASEAN.
Tại cuộc gặp với đại diện thanh niên với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng ASEAN,” các nhà lãnh đạo khẳng định thanh niên là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội; mong muốn thanh niên ASEAN sẽ tiếp tục tham gia tích cực và trách nhiệm vào các nỗ lực liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN./.