Đoàn Trợ lý nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam.
Theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam và thu xếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa kỳ, từ ngày 7 đến ngày 15/4/2012, đoàn trợ lý nghị sĩ Mỹ gồm 10 người đã đến thăm Việt Nam. Các thành viên trong đoàn đều là các trợ lý cao cấp (trưởng trợ lý hành chính, trợ lý luật pháp, trợ lý thương mại cao cấp).
Trong suốt chuyến thăm từ Nam ra Bắc, dọc theo chiều dài đất nước, thăm 3 thành phố (Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội) và hai tỉnh Đắc Lắc và Điện Biên, các trợ lý lần đầu tiên đã biết đến sự đa dạng văn hóa của đất nước Việt Nam. Các thành viên trong đoàn được gặp gỡ và làm việc không chỉ với các quan chức chính phủ mà cả các quan chức địa phương cấp tỉnh và thành phố. Tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Công thương đã tiếp đoàn. Các cuộc trao đổi và tiếp xúc đề cập đến nhiều khía cạnh của quan hệ song phương Việt - Mỹ, từ chính sách đối ngoại, an ninh nội địa, các vấn đề kinh tế, thương mại, đàm phán TPP, đầu tư nước ngoài, đến năng lượng, môi trường và an ninh khu vực, trong đó đề cập cả an ninh hàng hải ở Biển Đông và hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, và nhiều vấn đề khác. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi tiếp đoàn đã giới thiệu những đổi mới cũng như những thành tựu trong quá trình xây dựng luật của Quốc hội Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, lãnh đạo hai thành phố đã giới thiệu cho các vị khách biết chiến lược phát triển của hai thành phố hiện đại hóa và công nghiệp hóa này.
Cuộc gặp và làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, thăm Học viện Phật giáo, Nhà thờ Thiên chúa giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, và thăm các điểm nhóm Tin Lành tại Buôn Ma Thuột - Đắc Lắc và Mường Nhé - Điện Biện đã giúp các trợ lý có cách nhìn đúng đắn hơn về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn đã đến thăm khu vực nhiễm chất Dioxin và chất độc Da cam tại sân bay Đà Nẵng và tận mắt chứng kiến tiến triển chậm trễ của dự án tẩy độc của Mỹ cũng như những khó khăn trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh tại đây. Đồng thời, chuyến thăm của đoàn nằm trong chương trình trao đổi văn hóa MECEA, do vậy, các thành viên của đoàn cũng đã có cơ hội đến thăm Hội An (Di sản Văn hóa Thế giới), thăm Lăng Bác và khu Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội, thăm Học viện Ngoại giao, thăm Viện Kinh tế Phát triển tại Hà Nội, và thăm Khu di tích Lịch sử tại Điện Biện.
Kết thúc chuyến thăm 7 ngày tại Việt Nam, các trợ lý đã viết thư cảm ơn tới Đại sứ quán giúp họ có một chuyến đi thành công. Các trợ lý đánh giá đây là chuyến đi hiệu quả nhất, giúp họ có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về Việt Nam, và cũng thấy được sự nhân hậu và mến khách của người dân Việt Nam. Bức thư có đoạn viết "những kỉ niệm và những thông tin chúng tôi có được qua chuyến đi sẽ giúp hiểu biết của chúng tôi về chính phủ, con người và văn hóa Việt Nam lắng đọng lại mãi mãi".