Việt Nam lọt vào nhóm 50 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới
VEF - Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á lọt vào nhóm 50 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới do hãng tin Bloomberg thực hiện.
Trong xếp hạng Best Countries for Business Ranking do Bloomberg thực hiện lần đầu công bố hôm nay (21/3), Việt Nam xếp ở vị trí thứ thứ 46 trong top 50, đồng hạng với đảo Cyprus. Đáng chú ý, Việt Nam có thứ hạng cao hơn 3 quốc gia nằm trong nhóm những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (BRIC) là Nga, Ấn Độ và Brazil.
Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có 3 quốc gia lọt vào top 50 này, bao gồm Singapore ở vị trí thứ 9, Malaysia ở vị trí 32, và Việt Nam. Quốc gia láng giềng Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 19.
Nhóm 5 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất theo Bloomberg là Hồng Kông, Hà Lan, Mỹ, Anh và Australia.
Bloomberg cho biết, xếp hạng này bao gồm 160 nền kinh tế trên thế giới. Việc đánh giá môi trường kinh doanh của các nền kinh tế được dựa trên các yếu tố là mức độ hội nhập kinh tế (chiếm 10% tổng điểm), chi phí thành lập doanh nghiệp (20%), chi phí lao động và nguyên vật liệu đầu vào (20%), chi phí vận chuyển hàng hóa (20%), những chi phí ít hữu hình hơn (20%), và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng địa phương (10%).
Điểm số ở mỗi hạng mục cũng như tổng điểm số dành cho các nền kinh tế dao động từ 0%-100%. Ở vị trí đầu bảng, Hồng Kông được tổng điểm số 49%, Việt Nam được 36,2%.
Trong số 6 tiêu chí đánh giá, điểm số cao nhất dành cho Việt Nam nằm ở tiêu chí mức độ hội nhập kinh tế (64,5%), trong khi điểm số thấp nhất các chi phí ít hữu hình hơn (19,3%). Theo lý giải của Bloomberg, tiêu chí chi phí ít hữu hình hơn dựa trên các đánh giá về mức độ tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuế và khả năng điều chỉnh về kế toán.
Bloomberg cho biết, sở dĩ Hồng Kông được đánh giá cao về môi trường kinh doanh vì nền kinh tế này nổi tiếng về hiệu lực thực thi pháp luật và mức độ tham nhũng vào hàng thấp nhất thế giới. Ngoài ra, Hồng Kông còn có kết nối chặt chẽ với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới Trung Quốc, đồng thời được xem là trung tâm cho việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Thời gian gần đây, Việt Nam luôn góp mặt ở những vị trí “đáng nể” trong các xếp hạng của Bloomberg. Hồi tháng 2, Việt Nam được hãng tin này đánh giá là thị trường sơ khai (frontier market) tiềm năng nhất năm 2012. Trước đó, vào tháng 1, Bloomberg dự báo 40 năm nữa, Việt Nam sẽ có tên trong nhóm 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới.