Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 11 tháng năm 2011

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Tính đến 15/11/2011, cả nước đã thu hoạch được 1415,4 nghìn ha lúa mùa, chiếm 77,4% diện tích gieo cấy và bằng 97,4% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc thu hoạch 1098,2 nghìn ha, bằng 96,5%; các địa phương phía Nam thu hoạch 317,2 nghìn ha, bằng 100,4%.

Tính đến trung tuần tháng Mười Một, các địa phương phía Nam gieo sạ được 241,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 63,7% cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 15 tháng 11, các địa phương phía Bắc gieo trồng được 109,1 nghìn ha ngô, bằng 70,1% cùng kỳ năm trước; 37,9 nghìn ha khoai lang, bằng 82,9%; 54,7 nghìn ha đậu tương, bằng 58,9%; 4,5 nghìn ha lạc, bằng 65,2%; 137,9 nghìn ha rau đậu, tăng 23,9%.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2011, đàn trâu cả nước có 2,7 triệu con, bằng 93,5% cùng thời điểm năm 2010; đàn bò có 5,3 triệu con, bằng 90,1%; đàn lợn có 27,1 triệu con, bằng 99,3%; đàn gia cầm có 322 triệu con, tăng 7,4%.

Lâm nghiệp

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tháng Mười Một cả nước ước tính đạt 5,8 triệu cây, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 438 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác 2,6 triệu ste, tăng 2,6%. Trong mười một tháng năm nay, diện tích rừng trồng tập trung cả nước đạt 160,5 nghìn ha, bằng 73,4% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 176,2 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3968 nghìn m3, tăng 11,3%; sản lượng củi khai thác đạt 26,8 triệu ste, tăng 2,6%.

Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản tháng 11/2011 ước tính đạt 460 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 347 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm 57,5 nghìn tấn, tăng 1,8%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng Mười Một ước tính đạt 245,5 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá 194 nghìn tấn, tăng 6%; tôm 40,5 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2011 ước tính đạt 214,5 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khai thác biển 197,3 nghìn tấn, tăng 3,5%.

Tính chung mười một tháng, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 5009 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2658,7 nghìn tấn, tăng 5,5%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2350,3 nghìn tấn, tăng 2,3% (khai thác biển đạt 2172,6 nghìn tấn, tăng 2,4%).

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2011 tăng 5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp mười một tháng năm nay tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,2%; công nghiệp chế biến tăng 9,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,6%.

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một ước tính đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,1 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 16,6 nghìn tỷ đồng. Tính chung mười một tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,5% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/11/2011 đạt 12697,4 triệu USD, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 9914,5 triệu USD của 919 dự án được cấp phép mới (giảm 25,4% về vốn và giảm 21,3% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 2782,9 triệu USD của 324 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 10,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các ngành kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài mười một tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 6240,1 triệu USD, bao gồm 4560,3 triệu USD vốn đăng ký mới và 1679,8 triệu USD vốn tăng thêm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2526,8 triệu USD, bao gồm 2525,7 triệu USD vốn đăng ký mới và 1,1 triệu USD vốn tăng thêm; ngành xây dựng đạt 1194,5 triệu USD, bao gồm 1002 triệu USD vốn đăng ký mới và 192,5 triệu USD vốn tăng thêm.

Trong mười một tháng, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2497,7 triệu USD, chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 1918,7 triệu USD, chiếm 19,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu 880,8 triệu USD, chiếm 8,9%; Hải Phòng 594,4 triệu USD, chiếm 6%; Hà Nội 513,1 triệu USD, chiếm 5,2%; Tây Ninh 481,4 triệu USD, chiếm 4,9%.

Trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam mười một tháng năm 2011, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 2946,7 triệu USD, chiếm 29,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 1604,8 triệu USD, chiếm 16,2%; Xin-ga-po 1435,3 triệu USD, chiếm 14,5%; CHND Trung Hoa 586,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Hàn Quốc 571 triệu USD, chiếm 5,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 372,8 triệu USD, chiếm 3,8%.

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2011 ước tính đạt 586,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 359,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94%; thu từ dầu thô 90,3 nghìn tỷ đồng, bằng 130,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 132,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2011 ước tính đạt 639,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 133,2 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 127 nghìn tỷ đồng, bằng 87,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể 419,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,4%; chi trả nợ và viện trợ 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 100,4%.

Thương mại, giá cả và dịch vụ

Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 1814 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,1%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mười một tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1430 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,8% tổng mức và tăng 23,6%; khách sạn nhà hàng đạt 204,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 26,3%; dịch vụ đạt 162,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 20,6%; du lịch đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 11,7%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười Một ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung mười một tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,8 tỷ USD, tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 49,4 tỷ USD, tăng 40,7%.
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu mười một tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do đơn giá bình quân hàng xuất khẩu tăng cao, trong đó giá cao su tăng 37,3%; giá hạt tiêu tăng 66,6%; giá cà phê tăng 49,3%; giá hạt điều tăng 45,2%; giá dầu thô tăng 43,6%; giá than đá tăng 17,3%.

Trong mười một tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, tăng 28%; dầu thô đạt 6,7 tỷ USD, tăng 51%; giày dép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 25,8%; thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 23,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,9%; gạo đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,3%; cao su đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,2%; cà phê đạt 2,4 tỷ USD, tăng 52,8%.

Về thị trường xuất khẩu, trong mười tháng năm nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường có kim ngạch lớn nhất với 13,9 tỷ USD chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2010. Thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 16,8% và tăng 49,3%; thị trường ASEAN đạt 11 tỷ USD, chiếm 14% và tăng 31,6%. Một số thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười Một ước tính đạt 9,3 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 96,1 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 52,6 tỷ USD, tăng 23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,5 tỷ USD, tăng 30,8%.

Trong mười một tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,2%; xăng dầu đạt 9,2 tỷ USD, tăng 67,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,5 tỷ USD, tăng 39,5%; vải đạt 6,1 tỷ USD, tăng 27%; chất dẻo đạt 4,3 tỷ USD, tăng 26,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 13,5%; hóa chất đạt 2,4 tỷ USD, tăng 28,9%; sản phẩm hóa chất đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,7%; phân bón đạt 1,6 tỷ USD, tăng 53,9%.

Về thị trường nhập khẩu mười tháng năm 2011, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 19,6 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 17,6 tỷ USD, tăng 34,5%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,8%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 16%; EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 20,2%; Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22 %.

Nhập siêu hàng hóa tháng Mười Một ước tính đạt 700 triệu USD, bằng 8,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu mười một tháng năm nay ước tính 8,9 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố vàng thì nhập siêu hàng hóa mười một tháng năm nay ước tính 9,2 tỷ USD, bằng 10,8% kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2011 tăng 0,39% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2011 tăng 17,5% so với tháng 12/2010 và tăng 19,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân mười một tháng năm nay tăng 18,62% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 2586,6 triệu lượt khách, tăng 14,4% và 110 tỷ lượt khách.km, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2010. Vận tải hàng hóa mười một tháng ước tính đạt 734,9 triệu tấn, tăng 11,9% và 194 tỷ tấn.km, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bưu chính, viễn thông

Số thuê bao điện thoại phát triển mới mười một tháng năm 2011 đạt 10,4 triệu thuê bao, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm 45,5 nghìn thuê bao cố định, giảm 77,2% và 10,4 triệu thuê bao di động, giảm 9,5%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 131,7 triệu thuê bao, tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,1% và 116,2 triệu thuê bao di động, tăng 4,9%.

Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,3% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 11/2011 ước tính đạt 32,3 triệu người, tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông mười một tháng ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta mười một tháng năm 2011 ước tính đạt 5330,6 nghìn lượt người, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mười một tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 1241,4 nghìn lượt người, tăng 49%; Hàn Quốc 473,1 nghìn lượt người, tăng 5,1%; Nhật Bản 425,6 nghìn lượt người, tăng 6,8%; Hoa Kỳ 398,7 nghìn lượt người, tăng 0,8%; Cam-pu-chia 376,4 nghìn lượt người, tăng 61%; Đài Loan 326,4 nghìn lượt người, tăng 6,5%; Ôx-trây-li-a 260 nghìn lượt người, tăng 3,4%; Ma-lai-xi-a 206 nghìn lượt người, tăng 9,9%; Pháp 186,5 nghìn lượt người, tăng 2,3%.
(TỔNG CỤC THỐNG KÊ)