Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí,

Nhân dịp được gặp các vị khách quý và đông đảo đại biểu đại diện cán bộ, đảng viên, công chức ngành Ngoại giao - lực lượng xung kích trên một mặt trận cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta - về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, tôi xin gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí tới toàn thể anh chị em hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại ở trong và ngoài nước, lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.

Hội nghị của chúng ta họp vào một thời điểm khá đặc biệt. Năm 2011 vừa tròn 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), 25 năm nhân dân ta tiến hành toàn diện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về đối nội và đối ngoại. Đây là một dịp tốt để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra những bài học quý báu cho các hoạt động đối ngoại trong thời gian tới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng họp vào đầu năm nay là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, vì Đại hội chẳng những đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm 2011 - 2015 mà còn quyết định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của đất nước. Hội nghị chúng ta có nhiệm vụ quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đại hội XI để xây dựng Chương trình hành động cụ thể, thiết thực trên lĩnh vực đối ngoại, đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng vào cuộc sống.

Sau Đại hội XI, tình hình thế giới có những diễn biến mới rất nhanh, rất phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mới. Với trí tuệ tập thể của toàn thể đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao, trong đó có những đồng chí đang hoạt động tại nhiều địa bàn và tổ chức quốc tế, Hội nghị cần trao đổi sâu sắc về tình hình; phân tích thấu đáo nguyên nhân và dự báo tác động những diễn biến mới của thế giới đối với nước ta; từ đó đề xuất những chủ trương thích hợp để tận dụng những cơ hội mới, ứng phó hữu hiệu với những thách thức mới, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng. Như vậy, Hội nghị Ngoại giao lần này tuy là họp định kỳ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi mong rằng, Hội nghị sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đem lại nhiều kết quả thiết thực.

Thưa các đồng chí,

Nhân dịp dự Hội nghị với các đồng chí, tôi muốn nêu một số suy nghĩ về tình hình và nhiệm vụ của chúng ta trên mặt trận đối ngoại để các đồng chí cùng trao đổi.

Hơn ai hết, các đồng chí biết rõ rằng, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản: đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, trong đó nội lực đóng vai trò quyết định. Như V.I.Lê-nin từng nói, đối ngoại là sự nối tiếp của chính sách đối nội. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập chủ quyền của đất nước, ông cha ta luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã hình thành nền ngoại giao Việt Nam gắn với tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Cùng với các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi hết sức to lớn, làm rạng rỡ lịch sử của dân tộc.

Chúng ta còn nhớ, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Đảng ta đã phát động công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và không ngừng phát triển về mọi mặt. Cũng từ ngày đó, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, từng bước hội nhập quốc tế đã được hình thành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.

Qua 25 năm thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng, nhân dân ta đã thu được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Có thể khái quát thành mấy điểm:

Một là, chúng ta đã đẩy lùi được chính sách cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế đối với nước ta, đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia, kể cả các cường quốc và các trung tâm hàng đầu thế giới. Trong quá trình phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã chọn đúng khâu đột phá với bước đi thích hợp nên đã thành công: đã rút quân tình nguyện khỏi Cam-pu-chia và chủ động tham gia giải pháp chính trị cho vấn đề Cam-pu-chia. Tiếp đó, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu và gia nhập ASEAN. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, ASEM, WTO, Phong trào không liên kết, Liên hợp quốc... Việc phá thế bị bao vây, cấm vận tiến đến hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế không phải là một giải pháp tình thế mà là một chiến lược đối ngoại nhìn xa trông rộng, phù hợp với lợi ích dân tộc và xu thế thời đại.

Hai là, chúng ta đã tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường không ngừng được mở rộng, nguồn vốn tài trợ và đầu tư vào nước ta không ngừng gia tăng. Nếu đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chúng ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch ngoại thương đã vượt hơn rất nhiều so với tổng sản phẩm trong nước. Đã thu hút được hơn 200 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 13.000 dự án đã được cấp phép và đã giải ngân được trên 80 tỉ đô la. Trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ chính thức cho phát triển (ODA) của thế giới giảm, ta vẫn nhận được hơn 33 tỉ đô la Mỹ viện trợ từ các nước và các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB. Ngay trong năm nay, khi nền kinh tế thế giới phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng trên 30%; các nhà tài trợ vẫn cam kết dành cho Việt Nam khoản tài trợ 7,4 tỉ đô la Mỹ.

Ba là, chúng ta giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời từng bước giải quyết được nhiều vấn đề về biên giới trên bộ và trên biển với các nước có liên quan, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền, mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Ta và Trung Quốc đã ký được Hiệp định Biên giới trên bộ và hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên bộ, ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc Bộ, Thỏa thuận về tuần tra chung của hải quân hai nước, và mới đây đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Công tác phân giới cắm mốc giữa ta với Lào và với Cam-pu-chia đang được tích cực triển khai thực hiện trên cơ sở những Hiệp định biên giới đã ký kết, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. Ta cũng đã ký thoả thuận song phương về hợp tác giải quyết vùng chồng lấn trên biển với từng nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo thuận lợi cho những chương trình hợp tác rộng lớn hơn ở Biển Đông trong khuôn khổ các nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.

Bốn là, phát huy vị thế quốc tế mà nước ta đã có được trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc, trong thời kỳ đổi mới, vị thế quốc tế của nước ta trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới không ngừng được nâng cao nhờ những đóng góp tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng cho xu thế hoà bình, hợp tác. Đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị cấp cao ASEM, APEC,... Làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam đã động viên được sự nỗ lực chung của các nước thành viên, góp phần vào quá trình thúc đẩy xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và trở thành một trong những thành viên có trách nhiệm trong ASEAN. Là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn của thế giới và tiếng nói của nước ta được cộng đồng quốc tế coi trọng, lắng nghe. Là thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), là bên tham gia đàm phán xây dựng Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang tham gia vào quá trình xây dựng cấu trúc chính trị - kinh tế - thương mại mới ở khu vực.

Những thành công và thắng lợi to lớn nói trên là kết quả nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức ngành ngoại giao với tư cách là cơ quan tham mưu và lực lượng tác chiến trực tiếp trên mặt trận đối ngoại. Ngành ngoại giao đã góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới; mặt khác, chính trong quá trình đổi mới mà ngành ngoại giao ngày càng phát triển, tiến bộ và trưởng thành, tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm quý. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những cố gắng lớn lao và cảm ơn những đóng góp rất quan trọng của các đồng chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phấn khởi, tự hào với những việc đã làm được, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, vì thực tế vẫn còn không ít khó khăn, thiếu sót, thậm chí có mặt yếu kém. Công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược mặc dù vừa qua đã có tiến bộ, nhưng rõ ràng công việc này chưa đáp ứng tốt yêu cầu, có lúc còn thiếu tính chủ động, thiếu sự phối hợp điều hành thống nhất. Nhìn tổng thể, tuy chúng ta đã mở rộng được đáng kể quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ, nhưng chưa đạt được chiều sâu và độ chín cần thiết; nhiều thỏa thuận chậm được triển khai do thiếu sự đôn đốc sát sao hoặc do chậm được cụ thể hóa. Hoạt động đối ngoại của các ngành, các cấp rất sôi động, song không phải hoạt động nào cũng đã đem lại hiệu quả thiết thực, thậm chí có khi còn gây lãng phí. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, sự chỉ đạo quản lý công tác đối ngoại tuy có tiến bộ, song trong một số trường hợp vẫn còn thiếu nhịp nhàng, ăn khớp.

Tôi mong rằng, tại Hội nghị này, các đồng chí phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, không chỉ nêu thành tích mà chú trọng đi sâu phân tích những thiếu sót, yếu kém để khắc phục, đồng thời đề xuất với Đảng và Nhà nước những việc cần được chấn chỉnh.

Thưa các đồng chí,

Nhìn lại toàn bộ những hoạt động đối ngoại sôi động của nước ta trong thời gian qua, từ những thành tựu và những mặt chưa làm được, chúng ta có thể rút ra những bài học gì? Đây là việc rất cần thiết, mong các đồng chí hết sức quan tâm nghiên cứu, tổng kết.

Phải chăng là một số bài học sau đây?

Bài học đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu chiến lược là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa trong sự kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà phải luôn ý thức sâu sắc và làm mọi việc có thể để đóng góp phần mình vào sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bài học kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh dân tộc thể hiện ở sức mạnh tổng hợp cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là sự phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững; sức mạnh quốc phòng toàn dân ngày càng hiện đại; sự ổn định chính trị - xã hội vững chắc; bản sắc văn hóa dân tộc không ngừng được phát huy; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Ngày nay, sức mạnh ấy cần được kết hợp nhuần nhuyễn với những xu thế lớn của thời đại thể hiện ở khát vọng lớn lao của các dân tộc về một nền hòa bình lâu dài, sự hợp tác bình đẳng giữa các nước dù lớn hay nhỏ, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong sự tôn trọng phẩm giá con người và chủ quyền của mọi quốc gia, trong xu thế toàn cầu hóa và tính tùy thuộc lẫn nhau.

Bài học giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế. Lịch sử nước ta đã chứng tỏ rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của mình nếu kiên định tinh thần độc lập, tự chủ, tự mình quyết định công việc của mình - nội lực đóng vai trò quyết định. Đồng thời luôn luôn coi trọng và ra sức tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; luôn theo đuổi chính sách ngoại giao rộng mở, thêm bạn bớt thù; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; không đi với nước này chống lại nước kia; không tham gia các liên minh gây đối đầu, căng thẳng.

Bài học kiên định về nguyên tắc, cơ động, linh hoạt về sách lược, "dĩ bất biến ứng vạn biến". Nỗ lực thúc đẩy hợp tác ngày một mở rộng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác bình đẳng đi đôi với việc đấu tranh bằng nhiều hình thức thích hợp đối với những việc làm xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, trái với xu thế hòa bình. Thấy cả mặt phải và mặt trái, mặt tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để tận dụng tối đa mặt tích cực, hạn chế đến mức cao nhất mặt tiêu cực. Tránh phiến diện, cực đoan, nhấn mạnh một chiều hoặc từ cực này nhẩy sang cực khác.

Bài học gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực. Nhìn chung, vị thế trong hoạt động ngoại giao chỉ vững chắc khi có thực lực mạnh. Theo cách nói của Bác Hồ, "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn". Do đó, hoạt động ngoại giao phải luôn luôn dựa vào và góp phần gia tăng thực lực của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta hiểu thực lực quốc gia được hun đúc bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chứ không phải chỉ có sức mạnh vật chất, dù rằng sức mạnh vật chất là cực kỳ quan trọng. Chính uy tín quốc tế mà nước ta đã tạo dựng được bằng ý chí chính nghĩa, khí phách kiên cường và bản lĩnh văn hóa của dân tộc qua các cuộc đấu tranh giải phóng trước đây; bằng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hiện nay; và bằng chính truyền thống, bản sắc ngoại giao giàu tính nhân văn, hòa hiếu Việt Nam - Hồ Chí Minh đã tạo ra cho Việt Nam một vị thế ngoại giao to lớn, mặc dù kinh tế nước ta còn nghèo, lực vật chất của chúng ta còn có hạn.

Bài học triển khai hoạt động ngoại giao một cách toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các "binh chủng" dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước. Cùng với quá trình hội nhập, hoạt động đối ngoại của chúng ta cũng ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Tình hình đó đòi hỏi sự gắn kết và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban, ngành, các cấp; các tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế; trung ương và địa phương; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và cả ngoại giao quốc phòng, an ninh; giữa quan hệ song phương với sự hoạt động tại các diễn đàn đa phương với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng, nhất quán về đối tác cũng như về địa bàn, diễn đàn và lĩnh vực.

Tôi chỉ nêu một số gợi ý như vậy, mong các đồng chí đi sâu bổ sung, làm rõ thêm.

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta nói chung, ngành ngoại giao nói riêng bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi mới đan xen với những thách thức, khó khăn mới. Thế và lực của đất nước đã khác hẳn trước; nước ta đã bước vào ngưỡng cửa của nước có thu nhập trung bình và đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; quan hệ quốc tế được mở rộng, uy tín và vai trò của nước ta ở khu vực và trên thế giới đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta đang phải tập trung tìm mọi cách để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển, từng bước xây dựng một nền kinh tế có hiệu quả hơn, bền vững hơn, bảo đảm không những đứng vững trên đôi chân của mình mà còn có khả năng cạnh tranh cao hơn trên trường quốc tế.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, có cả mặt tích cực và tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Những chuyển biến rộng lớn, sâu sắc về kinh tế chính trị đang tác động, làm ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi diện mạo của thế giới và quan hệ giữa các quốc gia. Ở nhiều khu vực đang diễn ra những xung đột xã hội nghiêm trọng mà nổi lên trong thời gian gần đây là những rung động ở Bắc Phi, Trung Cận Đông; các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài; nạn khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, kể cả trên biển, chạy đua vũ trang, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, thảm họa thiên nhiên diễn ra gay gắt, phức tạp làm cho thế giới trở nên bất an hơn.

Về kinh tế, sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và suy thoái kinh tế trong những năm 2008, 2009 diễn ra chậm chạp và vẫn đang đứng trước nguy cơ một cuộc suy thoái mới với khủng hoảng nợ công ở Mỹ và Tây Âu, sự trì trệ của các đầu tàu kinh tế. Nhìn sâu và nhìn xa hơn, có thể thấy nền kinh tế thế giới đang trải qua một quá trình cơ cấu lại, cả về học thuyết, mô hình phát triển lẫn cơ cấu sản xuất và tiêu dùng; mối tương quan giữa xuất khẩu và nội nhu; hệ thống tiền tệ và sức mạnh của các nền kinh tế, cũng như vị trí của các khu vực.

Về chính trị, thế giới cũng đang trải qua sự thay đổi không kém phần quan trọng, trong đó sức mạnh, vị thế của các quốc gia đang chuyển dịch. Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn; các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Bra-xin cùng một số nước khác có vị trí, vai trò ngày càng cao hơn. Sự liên kết ở Tây Âu và vai trò của khu vực này đang bị thách thức, trong khi Châu Á - Thái Bình Dương đang vươn lên như một khu vực có vai trò và vị trí hàng đầu của thế giới trong thế kỷ XXI. ASEAN đang trải qua một giai đoạn mang tính bước ngoặt, có thể trở thành Cộng đồng vào năm 2015. Những quá trình biến đổi sâu rộng, mới mẻ ấy còn đang diễn biến khó lường, không chỉ theo chiều thuận mà còn ẩn chứa không ít những nhân tố phức tạp, bất trắc.

Trong bối cảnh nêu trên, Đại hội lần thứ XI của Đảng ta đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại với tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, triển khai đồng bộ và toàn diện hơn các hoạt động đối ngoại, nhằm: giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Theo đó, tư tưởng chỉ đạo của hoạt động đối ngoại là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Nguyên tắc và phương châm của hoạt động đối ngoại là: Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; kiên định lập trường giai cấp, tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc; chủ động tiến công, giữ vững nguyên tắc, linh hoạt khôn khéo về sách lược, nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh; tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, có lợi nhất cho đất nước; tạo vị thế vững chắc và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Trong quá trình triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XI, tôi muốn gợi ý ngành ngoại giao chú trọng một số công việc chủ yếu sau:

Một là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu hơn, nhất là những diễn biến mới gần đây; chỉ ra những nguyên nhân nảy sinh; dự báo chiều hướng phát triển; phân tích tác động tới quan hệ quốc tế cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Đảng và Nhà nước những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt chú trọng những nghiên cứu mang tính tổng thể và dài hơi trong quan hệ với các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới, khu vực và với nước ta; quan tâm thích đáng đến các vấn đề của khu vực, từ Tiểu vùng Mê Kông đến ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương. Cố gắng đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, tránh sơ lược, hình thức.

Trong chương trình nghiên cứu khoa học về lý luận giai đoạn 2011 -2015, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ triển khai nhiều đề tài cấp Nhà nước, trong đó dự kiến có những đề tài về cục diện thế giới, định hướng chiến lược đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, nhất là các đồng chí đã từng và đang công tác ở Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương phải là lực lượng chủ lực tham gia đóng góp vào các đề tài này.

Hai là, cần cụ thể hóa chủ trương mới mà Đại hội XI đã nêu ra là hội nhập quốc tế nói chung chứ không chỉ là hội nhập kinh tế, từng bước đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu bền vững. Thực tế trong những năm qua chúng ta đã từng bước mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng, bao gồm cả một số lĩnh vực ngoài kinh tế, tham gia nhiều thể chế chính trị trên phạm vi toàn cầu và ở khu vực, đã từng đóng vai trò tích cực trong các thể chế đó, như đã làm tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nước chủ nhà APEC, ASEM, Chủ tịch luân phiên của ASEAN…; tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn.

Trong quá trình hội nhập, một hướng hoạt động có ý nghĩa quan trọng là tiếp tục thực hiện và mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi vì lợi ích của mỗi nước và lợi ích chung của hòa bình ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, ngành ngoại giao cần xây dựng đề án tổng thể để thực hiện chủ trương này với những nội hàm, phạm vi, biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể.

Ba là, đi đôi với đề án tổng thể về hội nhập quốc tế, cần đề xuất biện pháp để phát huy vai trò của nước ta như một thành viên tích cực, chủ động của các thể chế khu vực và toàn cầu. Ngày nay, thế và lực của nước ta đã khác trước. Một mặt, ta cần tích cực phối hợp hưởng ứng thực hiện những sáng kiến, đề xuất xây dựng của các thành viên khác trong cộng đồng khu vực và thế giới; mặt khác, cũng cần phát huy vai trò chủ động của mình, có những đóng góp thiết thực vào các sinh hoạt quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bốn là, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan triển khai chủ trương nêu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng là chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, cũng như tham gia vào một lĩnh vực mới đang nổi lên là hợp tác quốc tế để đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ và điều tiết các nguồn nước... là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nước ta. Hoàn thiện các cơ chế, các quy định về sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, bảo đảm ngày càng có hiệu quả thiết thực.

Năm là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tìm kiếm phương cách thích hợp, góp phần trực tiếp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; trong trung và dài hạn là tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về phương diện này, ngành ngoại giao có thể phát huy lợi thế có hiểu biết và quan hệ rộng rãi với thế giới, tham khảo và cung cấp những kinh nghiệm của các nước trong việc xử lý những vấn đề tương tự, đồng thời góp phần tranh thủ đến mức cao nhất nguồn lực của bên ngoài, giúp trong nước giải quyết những nhiệm vụ nói trên.

Sáu là, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kể cả trên biển, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và hết sức quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành hữu quan, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế; đồng thời tăng cường đấu tranh dư luận, đấu tranh pháp lý bằng những luận cứ sắc bén cũng như thông qua đối thoại xây dựng, bình đẳng nhằm phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Ngành ngoại giao có trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp trong khuôn khổ song phương trên vấn đề liên quan chỉ tới hai nước, và đa phương trên những vấn đề liên quan tới nhiều nước, nhiều bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), đồng thời cùng các nước hữu quan sớm soạn thảo Bản Quy tắc ứng xử (COC).

Bẩy là, tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Quan tâm đầy đủ hơn công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở các nước trong bối cảnh số lượng ngày càng đông, địa bàn ngày càng rộng, vấn đề phức tạp nảy sinh ngày càng nhiều. Nước ta vốn có một cộng đồng đông đảo bà con người Việt định cư sinh sống, công tác, lao động, học tập ở nước ngoài. Mỗi cơ quan đại diện cần trở thành mái ấm; mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao trở thành người thân của bà con, anh chị em người Việt xa xứ, góp phần làm cho tình cảm của bà con đối với quê hương, đất nước ngày càng gắn bó.

Tám là, cùng với các ngành hữu quan làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần nâng cao giá trị Việt Nam trong con mắt bạn bè và nhân dân thế giới. Thông qua các phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền, làm cho thế giới hiểu biết đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; hiểu biết và yêu mến đất nước Việt Nam tươi đẹp với bề dày lịch sử phong phú; văn hóa Việt Nam với những di sản và giá trị đặc sắc, độc đáo; con người Việt Nam với những đức tính thân thiện, hòa hiếu; dân tộc Việt Nam với sức sống vươn lên mãnh liệt, ngày nay đang đổi mới, hội nhập quốc tế thành công. Cần đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền và các ấn phẩm văn hóa; chú trọng xuất bản và phổ biến ra bên ngoài các ấn phẩm có giá trị của các nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi; khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt ở nước sở tại.

Cuối cùng, và có thể là điều có ý nghĩa quyết định nhất, đó là xây dựng Ngành Ngoại giao, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Trong quá trình hình thành và phát triển nền ngoại giao của nước Việt Nam mới, được sự chăm sóc, giáo dục, chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ - người Cha của nước Việt Nam độc lập và nền ngoại giao Việt Nam, cũng như của các vị lãnh đạo tiền bối, đã hình thành nên lớp lớp cán bộ ngoại giao tài đức, góp phần xứng đáng vào những công tích ngoại giao của nước nhà cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Chúng ta vô cùng tự hào và mãi mãi ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh, đồng thời phấn đấu hết mình để học tập, noi gương, tiếp bước các thế hệ trước.

Đội ngũ cán bộ đối ngoại cần phải được từng bước tiêu chuẩn hóa, phải có phẩm chất chính trị tốt, nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn đường lối đối ngoại của Đảng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi. Chúng ta cũng phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực để có thể vào làm việc tại các tổ chức quốc tế và khu vực, các cơ quan trọng tài, tư vấn quốc tế. Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực trọng yếu.

Tôi mong rằng, các cán bộ ngoại giao sẽ nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, hun đúc lòng yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp, từ đó tranh thủ sự nể trọng của bạn bè quốc tế và bà con người Việt ở nước ngoài. Cảnh giác trước những mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, trước những cám dỗ của tiền tài, lợi ích vật chất và những mưu toan, cạm bẫy của các thế lực xấu.

Đương nhiên, công việc của Ngành Ngoại giao còn nhiều nội dung khác tôi không có điều kiện đề cập hết; chỉ xin nhấn mạnh một số điểm nêu trên với hy vọng hoạt động ngoại giao của chúng ta trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến mới với chất lượng mới, đem lại những hiệu quả mới, thiết thực.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị các cấp ủy và tổ chức đảng, các cơ quan chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn; các ngành, các cấp phối hợp nhịp nhàng hơn trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ làm công tác đối ngoại, để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ quan trọng và ngày càng phức tạp đang đặt ra đối với ngành Ngoại giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 diễn ra trong thời điểm rất có ý nghĩa. Thế giới đang có những diễn biến mau lẹ, đa dạng, phức tạp, đan xen nhiều cơ hội và thách thức. Mỗi quốc gia, dân tộc đều phải cố gắng xác định và nắm bắt những thách thức cũng như những cơ hội đến với mình, trước mắt và trong tương lai. Tình hình không chờ đợi chúng ta. Tất cả đều rất khẩn trương, cho nên cần chủ động và tích cực kiến tạo những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi nhất nhằm giành lấy vị thế tối ưu hoặc ít bất lợi nhất cho mình.

Tôi tin tưởng rằng, những vấn đề các đồng chí thảo luận, quán triệt và đặc biệt những kiến nghị của Hội nghị lần này, sẽ là những đóng góp thiết thực, góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng ta, nhằm đưa sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn hơn nữa.

Năm 2011 sắp qua, năm 2012 sắp tới. Trước mắt tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tương lai triển vọng là rất sáng sủa. Tôi xin chúc các nhà ngoại giao lão thành, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của ngành Ngoại giao sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc một năm mới tràn đầy niềm tin, hy vọng với nhiều thành công và thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn./.