Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 - Bước chuyển mới trong công tác đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng

(ND - 20/12/2011) - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 19-12, diễn ra vào thời điểm quan trọng của đất nước. Sau 25 năm nhân dân ta tiến hành toàn diện công cuộc Ðổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991) đất nước đã đạt được những thành tựu "to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về đối nội và đối ngoại"(1).

Ðại hội Ðảng lần thứ XI đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của đất nước. Ðây là hội nghị đầu tiên của ngành ngoại giao nhằm quán triệt và triển khai Nghị quyết lần thứ XI của Ðảng, Cương lĩnh 91 (bổ sung phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020.

Sau một tuần làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và phát huy trí tuệ tập thể, hội nghị đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và chỉ đạo. Các đồng chí Ðại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được trực tiếp gặp và nghe ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Hội nghị đã khẳng định, mặc dù thời gian qua tình hình thế giới biến đổi nhanh, phức tạp, với nhiều yếu tố mới nhưng phù hợp những nhận định và đánh giá lớn của Ðại hội Ðảng XI. Hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, là đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc; cục diện thế giới phát triển theo hướng đa cực ngày càng rõ hơn; xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế ngày càng phát triển; khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có khu vực Ðông - Nam Á vẫn là khu vực phát triển năng động và trở thành tâm điểm chú ý của các cường quốc trên thế giới. Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) đang triển khai xây dựng Cộng đồng, tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình tại châu Á - Thái Bình Dương. Những yếu tố trên, cùng với vị thế đối ngoại của đất nước được nâng cao chưa từng thấy, mối quan hệ bạn bè rộng mở, chính là môi trường thuận lợi cho đất nước ta bước vào thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và các khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp mới, khó lường, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, bất ổn, những diễn biến ở Trung Ðông-Bắc Phi, thảm họa thiên tai ngày càng tăng với cường độ lớn, khủng hoảng kinh tế- tài chính chưa được khắc phục... An ninh phi truyền thống vẫn là những thách thức cho phát triển. Những chuyển biến rộng lớn, sâu sắc về kinh tế - chính trị đang tác động, làm ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi diện mạo thế giới và quan hệ giữa các quốc gia. Trước những khó khăn của thời đại, các nước lớn, trung tâm kinh tế lớn có xu hướng cải cách, tái cơ cấu và điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời cũng gia tăng gay gắt mặt cạnh tranh giữa các nước và các trung tâm này. Xu hướng liên kết, tập hợp lực lượng mới cũng đang nổi lên, tạo khó khăn mới cho các nước vừa và nhỏ.

Tình hình thế giới và khu vực đầy phức tạp nói trên tạo ra cả thách thức và cơ hội đan xen cho đất nước ta. Tuy nhiên, thuận lợi vẫn là hết sức cơ bản. Sau 25 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã được nâng cao hơn bao giờ hết. Năm 2011, mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nhưng nước ta vẫn đạt được những thành tựu quan trọng như Thủ tướng đã khẳng định trong bài phát biểu tại phiên họp chung Hội nghị Ngoại giao 27 và Hội nghị Tham tán thương mại ngày 14 -12 vừa qua. Ðó là: Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định tạo đà cho phát triển kinh tế; sản xuất tiếp tục được duy trì, sản lượng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì gần 6%; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền tiếp tục được củng cố; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị xã hội đất nước ổn định.

Nhìn lại những thành tựu đáng tự hào của công tác đối ngoại trong những năm qua, hội nghị đồng thời quán triệt sâu sắc sáu bài học quan trọng được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị (2), bao gồm bài học đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế; kiên định về nguyên tắc, cơ động, linh hoạt về sách lược; và bài học về gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực.

Từ những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thành công và những tồn tại cần khắc phục, tính tới những khó khăn và thách thức của thời đại, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Ðại hội XI, hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trong thời gian tới:

Một là, cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Ðại hội XI theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục là ưu tiên hàng đầu; tham gia hội nhập về an ninh - chính trị thông qua việc tham gia các diễn đàn và cơ chế an ninh - chính trị khu vực, quốc tế; phấn đấu trở thành thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các sinh hoạt quốc tế vì hòa bình, phát triển, phù hợp lợi ích và khả năng của nước ta. Tích cực xây dựng và củng cố ASEAN hướng tới xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Ở cấp độ toàn cầu, tiếp tục và nâng cao vai trò thành viên tích cực của LHQ, hoàn thiện đội ngũ cán bộ để đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ nhiệm kỳ sau (phấn đấu 2020-2021). Ðồng thời, cần phát huy vai trò ở các liên kết khu vực và quốc tế như ASEAN với các đối tác (gọi tắt là ASEAN +), APEC, ASEM...

Trong năm năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế cần chuyển từ "chiều rộng, gia nhập, ký kết" sang "chiều sâu, tham gia, thực hiện", nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển kinh tế trong nước. Ngoại giao kinh tế cần làm tốt vai trò thúc đẩy việc hoàn tất cam kết gia nhập WTO và các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký; tham gia đàm phán các FTA mới với EU và các đối tác khác, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ðổi mới tư duy tiếp cận trong triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển từ tư duy "phục vụ" nhu cầu hội nhập sang "triển khai" hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, cùng với ngoại giao đa phương, triển khai ngoại giao toàn diện, đưa quan hệ song phương với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả: Làm sâu sắc các mối quan hệ hiện có, thực hiện và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì lợi ích mỗi nước, và lợi ích chung của hòa bình phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, cùng với ngoại giao kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế trong những năm sắp tới cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Chính phủ theo năm nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao. Ðó là: Tham mưu giúp Chính phủ quản lý kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; mở rộng thị trường xuất khẩu; vận động viện trợ ODA; thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài.

Bốn là, tham gia tích cực nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kể cả trên biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong tình hình mới, âm mưu và các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá nước ta ngày càng gia tăng. Bộ Ngoại giao cần phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn nữa trong công tác đấu tranh về các vấn đề này.

Năm là, ngoại giao toàn diện được triển khai trong ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân. Ngoại giao văn hóa sẽ đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước với thế giới, để nhân dân thế giới thấy một đất nước Việt Nam, hòa bình, thân thiện, là bạn, đối tác tin cậy và là điểm đến cho du lịch và đầu tư. Từ nhiệm vụ đó, ngoại giao văn hóa phải gắn kết chặt chẽ, biện chứng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác củng cố, nâng cao uy tín và vị thế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với ngành ngoại giao. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh và tạo chuyển biến hơn nữa việc thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế, địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện để bà con phát triển đóng góp nhiều hơn nữa vào đất nước nơi họ sinh sống, đồng thời hướng về quê hương đất nước, và trở thành cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Cùng với việc mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập, làm ăn và du lịch ngày càng tăng. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao phải hoàn thiện hơn nữa công tác này nhằm bảo hộ công dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở ngoài nước.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương để kết hợp tổng thể sức mạnh các nguồn lực trong nước với sức mạnh của ngoại giao nhân dân phục vụ cho công tác đối ngoại của nước nhà; nhằm phát huy sức mạnh tổng thể đó, công tác thống nhất quản lý đối ngoại sẽ được chú trọng; công tác thông tin đối ngoại sẽ được tăng cường hơn nữa, bảo đảm thông tin chính xác kịp thời, tạo đồng thuận trong xã hội trên các vấn đề lớn của đất nước.

Tất cả những nhiệm vụ trên đã được hội nghị cụ thể hóa thành Chương trình hành động, trở thành hành trang của mỗi cán bộ ngoại giao trên mặt trận đối ngoại của đất nước.

Mặc dù khó khăn, thách thức không nhỏ, nhưng thuận lợi được tạo ra bởi xu thế vận động của thế giới, của thế và lực của đất nước là rất cơ bản. Với niềm tin lớn lao vào vận hội tươi sáng của đất nước, vào đường lối đúng đắn của Ðảng, toàn ngành ngoại giao ý thức mạnh mẽ trách nhiệm to lớn của mình đối với Tổ quốc và nhận thức sâu sắc kỳ vọng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Ðảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ, động viên của nhân dân, của toàn xã hội, ngành ngoại giao sẽ nỗ lực phấn đấu, đem hết sức lực, trí tuệ để hoàn thành những nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với những kỳ vọng và mong mỏi to lớn đó.

(1), (2) Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 - Báo Nhân Dân , ngày 13-12-2011.

PHẠM BÌNH MINH

Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Ngoại giao