Tăng trưởng GDP đạt 5,6% trong 6 tháng đầu năm
(VNA)Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của cả nước đạt 5,6%.
Tình hình kinh tế tháng Sáu và sáu tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực; lạm phát đang có xu hướng giảm dần, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý lo lắng trong nhân dân. Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và chính sách tiền tệ chặt chẽ đã và đang ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước sáu tháng đầu năm đạt 418.000 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch cả năm là 14%). Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 19,6 tỷ USD, tăng 32%.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là dệt may tăng hơn 28%; da giày tăng 31%; cao su tăng 17%; thủy sản tăng 28%...
Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện - như giá hạt điều tăng 40%, càphê tăng 57%, hạt tiêu tăng 73%, than đá tăng 247%, dầu thô tăng 41%, cao su tăng 61% - đã khiến kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng tăng hơn 2,7 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong sáu tháng ước đạt 912.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư thuộc ngân sách thực hiện đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 34,2% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn một số vấn đề tồn tại, như nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao; kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 49 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất, trong sáu tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh. Tính chung trong sáu tháng, cả vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, bằng 62,7% so với cùng kỳ; tổng vốn thực hiện đạt 5,3 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao làm chi phí đầu vào tăng cao tác động đến sản xuất, kinh doanh. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi là mục tiêu ưu tiên số 1 hiện nay cũng như trong trung và dài hạn để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó là giải pháp tiếp tục duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý để bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động và tạo tiền đề góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành cần tăng cường rà soát, tập trung vốn, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; kiên quyết cắt giảm nguồn đầu tư vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài; ưu tiên và tập trung vốn cho các công trình đã đầu tư dở dang và sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Về chính sách thương mại, giá cả, thị trường, cần tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm ổn định cung-cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; chủ động phương án ứng phó trước những biến động của tình hình thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu; ổn định nguồn cung trong nước, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn đối với dự án hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm; khuyến khích tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; trong đó, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và tăng xuất khẩu nông sản, bảo đảm đời sống nông dân./.